Nhiều tour giá rẻ "full combo" vé máy bay khứ hồi, resort sang chảnh được chào bán trên các group review du lịch - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
"Không có tour du lịch giá rẻ ở thời điểm hiện tại"
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, hiện các gói tour được bán trong các hội nhóm review du lịch trên mạng xã hội Facebook thường có giá từ 1,9 - 3,9 triệu đồng cho combo 4 ngày 3 đêm tại các địa điểm nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.
Các combo này thường cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cao cấp như: ở tại khách sạn, resort 5*, ăn sáng miễn phí, vé vào các điểm vui chơi... Thậm chí, một số combo còn được quảng cáo bao gồm cả vé máy bay khứ hồi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hồng Thái - phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - cho biết hiện không thể có các gói combo giá rẻ như vậy với chất lượng dịch vụ như trong các bài quảng cáo trên mạng xã hội.
"Giá vé máy bay ở nhiều chặng đã tăng gấp đôi, chi phí lưu trú, vận chuyển, ăn uống tại các điểm du lịch cũng tăng cao, nên không có chuyện có combo du lịch giá rẻ. Có thể nhiều nơi chạy chương trình khuyến mãi nhưng không thể từ 10 đồng xuống 2 đồng được", ông Thái cho hay.
Chèo thuyền kayak trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) là một trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến đảo Cát Bà hè này - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Cẩn thận khi quyết định đặt phòng, tour du lịch online
Tranh thủ tìm phòng khách sạn trước 1 tuần cho chuyến du lịch Cát Bà, chị Thùy Trang (Hà Nội) cho biết do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đã tìm các nhóm review Cát Bà để đăng bài. "Sau khi đăng bài, người nhận đặt phòng đã chủ động liên hệ trực tiếp với nhóm mình, tư vấn nhiệt tình và báo giá phòng 600.000 đồng/đêm/4 người.
Tin tưởng, mình đã chuyển khoản trước 50% tiền phòng là 300.000 đồng. Đến gần ngày đi, nhóm mình hỏi lại về cách nhận phòng thì phát hiện bị chặn cả Facebook và điện thoại. Tuy đây không phải là số tiền lớn, nhưng bị lừa như vậy mình rất bức xúc", chị Trang kể lại.
Từ câu chuyện của bản thân, chị Trang cho rằng khi đặt mua tour, phòng cho chuyến du lịch của mình thì nên liên hệ trực tiếp với nhà nghỉ, khách sạn hoặc đặt qua các ứng dụng đặt phòng uy tín. "Mọi người thường bảo kiểm tra độ uy tín của chủ tài khoản Facebook trước khi "xuống tiền", nhưng mình thấy biện pháp này không thực sự hiệu quả", chị Trang nói.
Từng gặp nhiều trường hợp đến văn phòng của công ty làm thủ tục trước ngày đi du lịch mới phát hiện ra bản thân bị lừa, ông Lê Hồng Thái cho biết thêm: "Các đối tượng lừa đảo có nhiều chiêu trò để dụ khách hàng chuyển khoản tiền một cách nhanh chóng, như mượn tên, trụ sở của các công ty uy tín, đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn và không ngừng hối thúc khách hàng không mua nhanh là hết ưu đãi, nên đôi khi người mua chưa có sự kiểm chứng đã vội đưa ra quyết định.
Để tránh các trường hợp không vui xảy ra, chúng ta nên cân nhắc, so sánh kiểm chứng với các cơ sở kinh doanh uy tín trước khi quyết định đặt mua online. Mọi thông tin trao đổi có thể thực hiện qua nền tảng mạng xã hội, nhưng khi thanh toán nên đến tận nơi để làm thủ tục, thay vì tin vào những lời cam kết "anh chị cứ yên tâm, thanh toán xong là em chuyển vé máy bay đến tận nơi, xác nhận phòng khách sạn đàng hoàng", để cuối cùng nhận ra không có gì cả".
Ông Trần Trung Hiếu - phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết đến nay đơn vị chưa tiếp nhận phản ảnh của du khách bị lừa khi đặt tour, phòng khách sạn online. "Khi nhận thấy mình trở thành nạn nhân của lừa đặt cọc, book tour online, du khách nên phản ảnh tới các cơ quan chức năng để được hỗ trợ", ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận