21/12/2016 17:00 GMT+7

​Cẩn thận khi bị hạ canxi máu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Người hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện ngay và ngày một nặng hơn.

Ví dụ như: co rút và đau cơ (chuột rút), rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), tăng phản xạ gân xương và cảm giác nóng hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân.

Hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8 mg/dl (2,20 mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường hoặc canxi ion hóa dưới 4,7 mg/dl (1,17 mmol/l). 

Canxi có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Nó không chỉ là điều cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của xương, mà nó còn có một vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, chức năng tế bào và sự co cơ. 

Đôi khi nồng độ canxi máu hoặc nồng độ vitamin D trong máu có thể thấp một cách bất thường hoặc khi cơ thể thiếu hụt magiê hoặc bị suy thận, viêm tụy, hoặc suy tuyến cận giáp… là những nguyên nhân chính làm hạ canxi máu. 

Hạ canxi máu cũng có thể do nồng độ albumin máu thấp, chất này được sản xuất tại gan và rất quan trọng trong việc điều hòa dịch trong tế bào và mô của cơ thể.

Dấu hiệu nhận biết hạ canxi máu?

Người bị hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện ngay và ngày một nặng hơn. Các biểu hiện lâm sàng của hạ canxi máu là do rối loạn điện thế màng tế bào, gây kích thích hệ thần kinh - cơ. Dấu hiệu hay gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Những trường hợp hạ canxi máu diễn biến từ từ, âm ỉ có thể gây các dấu hiệu thần kinh nhẹ như trầm cảm, lú lẫn hay kích thích tâm thần. 

Người bị hạ canxi máu kéo dài có thể xuất hiện phù gai thị và đục thể thủy tinh. Ngoài ra, người bị hạ canxi máu còn có các triệu chứng như rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), tăng phản xạ gân xương và cảm giác nóng hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Nếu phát hiện các trường hợp hạ canxi máu có biểu hiện nghiêm trọng như co giật hoặc động kinh, khó ăn hoặc biếng ăn ở trẻ sơ sinh, co thắt cơ… thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức.

Sơ cứu người bị hạ canxi máu

Khi gặp trường hợp người bị hạ canxi máu, những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, đỡ bệnh nhân rồi đưa vào chỗ thoáng mát để nghỉ ngơi. Vỗ nhẹ 2 bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu ngất lâu hãy thử ấn huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng.

Xem xét trong đồ đạc bệnh nhân nếu có mang theo canxi viên dạng sủi thì pha 1 viên vào 1 cốc nước, đợi thuốc tan hết thì đưa cho bệnh nhân uống. Nếu 2 hàm răng bệnh nhân cứng lại không mở ra được thì bắt buộc phải dùng thìa bón vào miệng bệnh nhân hoặc vỗ mạnh 2 bên má (không phải là tát) cho bệnh nhân tỉnh lại uống thuốc.

Nếu bệnh nhân không mang theo viên canxi dạng sủi thì nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Điều trị hạ canxi máu

Hạ canxi máu được điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể. Ngoài đường truyền tĩnh mạch, canxi cũng có thể được bổ sung qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Nếu hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý thì phải điều trị hạ canxi máu và điều trị bệnh lý đó.

Để phòng ngừa hạ canxi máu cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời. Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng, nhất là cần ưu tiên thức ăn chứa nhiều canxi. Tăng cường vận động ngoài trời, trẻ em cần tắm nắng hàng ngày (tốt nhất trong khoảng 7 - 8 giờ sáng) để bổ sung lượng vitamin D cần thiết và tăng khả năng hấp thu canxi cho cơ thể.

Các biến chứng của hạ canxi máu

Các biến chứng của hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ. Với người lớn, biến chứng cũng có thể nghiêm trọng. Bạn có thể làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng bằng việc tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ chỉ định dành riêng cho bạn. 

Các biến chứng của hạ canxi máu bao gồm: không thể lớn, chức năng vận động và bộ não bị tổn thương, suy dinh dưỡng, nhuyễn xương (xương mềm, yếu do thiếu vitamin D trong quá trình tạo xương), loãng xương (thưa và yếu xương), kém phát triển, cơn tetani (hoạt động thần kinh quá mức, gây đau đớn vô cùng).

Người lớn và trẻ em đều có thể bị các biến chứng: loãng xương, kém phát triển, dễ xảy ra cơn tetani do hoạt động thần kinh quá mức. Cơn tetani xuất hiện do hạ canxi máu nặng nhưng cũng có thể gặp trong trường hợp chỉ hạ canxi ion hóa trong khi canxi toàn phần bình thường, ví dụ như trong tình trạng kiềm hóa máu. Biểu hiện của cơn tetani là các triệu chứng cảm giác như dị cảm ở đầu chi, môi, lưỡi, bàn cổ chân, đau cơ lan tỏa, co cứng cơ vùng mặt, tay, chân.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hạ canxi máu