13/01/2020 10:37 GMT+7

Cẩn thận hàng xách tay 'dỏm' mua dễ như rau

NHƯ BÌNH - BÔNG MAI -  CÔNG TRUNG - NGỌC KHẢI
NHƯ BÌNH - BÔNG MAI - CÔNG TRUNG - NGỌC KHẢI

TTO - Hàng xách tay tràn ngập trên mạng xã hội, các cửa hàng. Trong khi hàng xách tay thật không thể nhiều như thế.

Cẩn thận hàng xách tay dỏm mua dễ như rau - Ảnh 1.

Thịt được chị Th. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giới thiệu là lườn ngỗng Nga, đi đường bộ về VN - Ảnh: BÔNG MAI

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số sản phẩm "hot" được rao là hàng xách tay, nhưng hỏi kỹ thì không hẳn vậy. Nhiều nguy cơ được cơ quan chức năng cảnh báo.

Mua dễ như mua rau

Trưa ngày đầu năm 2020, chúng tôi ghé tìm mua quà tết tại một cửa hàng gần vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình, TP.HCM), người phụ nữ ở cửa hàng giới thiệu nhiều loại rượu, đặc biệt rượu xách tay từ Singapore giá rẻ hơn hàng nhập khẩu chính hãng vài trăm ngàn đồng/chai. 

Theo người này, khách chuộng loại H. giá 1,9 triệu đồng/chai, loại đắt tiền hơn như M. giá 3 triệu đồng/chai… Khi chúng tôi băn khoăn làm sao mua được hàng chính hãng, xách tay, bà này chỉ cho cách nhận biết là: không có tem nhập khẩu.

Năm nay, thịt ngỗng của Nga được quảng bá nhiều, từ hàng xách tay tới nhập khẩu. Đọc tin rao bán lườn ngỗng Nga trên mạng, chúng tôi tìm đến nhà chị Th. (Q.Bình Thạnh). 

Cầm trên tay miếng thịt được cho là lườn ngỗng Nga lấy từ tủ đông, chị Th. cho hay giá 230.000 đồng/kg. Chị Th. khẳng định chắc chắn thịt ngỗng của chị là loại 1 vì: "Mình từng ăn và từng bán trúng loại 2, loại 3 rồi, nó 150.000-180.000 đồng/kg, bị bơm nước hoặc sắp hết hạn sử dụng".

Khi được hỏi nguồn gốc, chị Th. cam đoan thịt ngỗng chị bán được nhập trực tiếp từ Nga, còn hạn sử dụng gần một năm: "Đi bằng xe đông lạnh về Việt Nam. Không có một cái giấy tờ gì hết, kể cả người bỏ hàng cho chị cũng không thể cung cấp được giấy tờ xuất xứ. Chính ngạch đi lâu, đi xa, đi qua đường bộ…".

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng từ Nga, với người bán hàng trên, gần như có thể khẳng định ngay: "Không tin được. Cần cảnh giác". Bởi nếu đi chính ngạch đường bộ sẽ phải đóng container lớn và giá cực kỳ đắt và khó mà xé nhỏ để né thuế được. 

Với giá đó và cách đi đường bộ như vậy, nhiều khả năng hơn đó là hàng… Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc.

Sôi động nhờ hàng giả, hàng "chôm"?

Đại diện hãng L’Oreal Việt Nam cho biết vẫn thường cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc mua hàng xách tay. 

Công ty này từng giám định nhiều lô mỹ phẩm và nước hoa thuộc các thương hiệu Lancôme, Kiehl’s, 3CE… mà cơ quan chức năng bắt giữ và tất cả đều là… hàng giả. 

Theo L’Oreal Việt Nam, các sản phẩm làm giả đội lốt hàng xách tay này có bao bì đóng gói giống hàng thật, khó phân biệt.

T., chủ một shop chuyên hàng xách tay, cho biết loại hàng này phát triển cùng với sự sôi động của thị trường hàng không. Các chuyến bay đường dài, phi công và tiếp viên được mang theo một vali gửi và một vali kéo không quy định cân nặng. 

Tuy nhiên, T. cũng cho biết mỗi khi có sự cố tiếp viên nghi bị tiêu thụ hàng ăn cắp ở nước ngoài thì thị trường sẽ bị "đóng băng" một thời gian.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM xác nhận cuối năm lượng hành khách nhập cảnh tăng đột biến, mỗi người khi nhập cảnh thường mang theo hàng hóa như rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa… về làm quà hoặc bán kiếm lời.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, người nhập cảnh chỉ được hưởng định mức miễn thuế với tổng trị giá từ 10 triệu đồng trở xuống, không thể có số lượng lớn hàng xách tay đúng nghĩa như quảng cáo trên thị trường.

Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM), một trong những nguồn hàng xách tay là do những người thường xuyên xuất nhập cảnh mang về. 

Nhưng nguồn này nếu đúng quy định sẽ rất hạn chế bởi định mức hành lý được miễn thuế của người nhập cảnh gồm: đồ dùng cá nhân, 1,5 lít rượu từ 20 độ trở lên, 2 lít rượu dưới 20 độ, 3 lít bia, đồ uống có cồn, 200 điếu thuốc lá, 20 điếu xì gà... và các vật phẩm, hàng hóa khác không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện với tổng trị giá không quá 10 triệu đồng. 

Tuy nhiên, phi công và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế không được hưởng định mức trên, mà phải sau 90 ngày mới được hưởng 1 lần định mức.

Nguồn hàng thứ hai là do những người sinh sống, học tập ở nước ngoài mua và gửi về Việt Nam qua đường quà biếu phi mậu dịch. 

Tuy nhiên, nguồn hàng này chỉ được miễn thuế với hàng hóa có trị giá 2 triệu đồng trở xuống và vẫn phải thực hiện đủ thủ tục khai hải quan, nộp thuế nên khó rẻ. 

Hơn nữa, mỹ phẩm, sữa, nước hoa, thực phẩm... do trong danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng nên không nằm trong định mức nêu trên.

Vậy vì sao thị trường hàng xách tay vẫn rất sôi động, số lượng nào cũng có? Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết đó là một lượng hàng hóa nhập tiểu ngạch, lén lút chuyển qua biên giới đường bộ từ các nước láng giềng. 

Ngoài ra, nguồn hàng giả, hàng nhái do các đối tượng trong nước làm giả nhãn mác, bao bì rồi tuồn ra thị trường dưới mác hàng xách tay. Nguồn hàng này là phổ biến nhất, nguồn cung dồi dào và giá cũng vô chừng.

Một tiếp viên của Hãng Vietnam Airlines cho biết thực tế việc tiếp viên mang hàng xách tay về đang được kiểm soát chặt. Trước đây, quy định về hành lý của tiếp viên được 32kg, nay chỉ còn 25kg. 

Nên hàng hóa xách tay do tiếp viên mang về sẽ không đáng kể như quảng cáo "cần bao nhiêu cũng có". Vì vậy, khách hàng nên cảnh giác, kẻo mất tiền mua hàng nhái.

Siết hàng xách tay

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi tới 5 bộ ngành gồm Tài chính, Công thương, Công an, Y tế, NN&PTNT truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tăng cường quản lý với hàng xách tay.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần xác lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu quốc tế.

Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng là quà biếu và hàng hóa xách tay để chống thất thu thuế, tạo cạnh tranh công bằng cho hàng nội.

N.Bình


Đã phát hiện hàng loạt vụ nhái, giả hàng ngoại

"Tuần tới tiếp viên nhà em hạ cánh, có nước hoa L, túi hãng C... mọi người đặt hàng liền tay nhé..." - những lời rao hàng xách tay như trên dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội. Phần lớn những thương hiệu được rao chưa chính thức có mặt tại VN.

Theo các chuyên gia, việc trà trộn hàng nhái vào hàng xách tay là rất dễ dàng. Những đối tượng xấu rất am hiểu tâm lý người dùng, có nhiều chiêu quảng bá, trong khi nếu bán hàng nhái, chúng hầu hết né được trách nhiệm vì người tiêu dùng khó khiếu nại.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ hàng làm giả nhãn mác, xuất xứ ngoại rồi tuồn ra thị trường.

Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra, phát hiện, xử lý 62.580 vụ việc vi phạm, trong đó có 38.384 vụ gian lận thương mại, 9.011 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 329 tỉ đồng.

Đường đi của hàng xách tay Đường đi của hàng xách tay

TTCT - Xu hướng chuộng hàng ngoại giá mềm của một bộ phận người tiêu dùng Việt đã khiến hàng xách tay ồ ạt đổ về VN dưới nhiều hình thức. Không đơn thuần chỉ là xách tay tự phát, thị trường hàng ngoại này đã hình thành những đường dây vận chuyển, giao nhận hàng thông qua các công ty vận chuyển quốc tế.

NHƯ BÌNH - BÔNG MAI - CÔNG TRUNG - NGỌC KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên