Bất ngờ khi con được chẩn đoán cường giáp
Bé N.H.T. (6 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa đi khám vì trẻ có khối to vùng cổ, không sưng tấy đỏ kèm run tay, chân, mắt lồi, mạch nhanh...
Kết quả siêu âm có nang thùy phải tuyến giáp, xét nghiệm chỉ số hormone tuyến giáp tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý cường giáp - Basedow. Trẻ được điều trị kháng giáp, chẹn beta giao cảm. Sau 7 ngày, tình trạng trẻ ổn định và được xuất viện.
Bệnh nhi N.T.N.A. (14 tuổi, TP Hạ Long) đi khám sức khỏe phát hiện tuyến giáp to độ II, không khó thở, nuốt nghẹn. Kết quả xét nghiệm chỉ số hormone tuyến giáp tăng cao. Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh lý cường giáp.
Hầu hết mọi người cho rằng bệnh cường giáp chỉ có ở người lớn nên rất bất ngờ khi con được chẩn đoán cường giáp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, phó khoa nhi Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhi mắc bệnh lý cường giáp. Đa số trường hợp bệnh nhi nhập viện đều có một hoặc nhiều biểu hiện liên quan đến bệnh lý này như có khối to vùng cổ, không sưng tấy đỏ, run tay chân, mắt lồi, mạch nhanh…
Cường giáp là bệnh lý do tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp quá mức vào trong máu, dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân... Bệnh thường gặp ở người trưởng thành và ít gặp ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp ở trẻ em rất đa dạng như do bệnh Basedow (chiếm tới 98%), các bệnh lý gây viêm tuyến giáp bẩm sinh, dùng iod thời gian dài dự phòng bệnh bướu cổ.
Cường giáp ở trẻ sơ sinh chủ yếu do mẹ của trẻ đã hoặc đang mắc bệnh cường giáp. Nếu mẹ bị cường giáp thì 2% trẻ sơ sinh cũng bị cường giáp.
Bác sĩ Vũ Thị Bầu, khoa nhi Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh cường giáp ở trẻ nhỏ nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim), thần kinh (suy giảm trí nhớ, kích động, lú lẫn, nói sảng), hệ cơ xương (nhược cơ, liệt cơ), chậm phát triển, ảnh hưởng đến ngoại hình thẩm mỹ của trẻ như mắt lồi, bướu cổ.
Đặc biệt biến chứng cấp tính là cơn nhiễm độc giáp xảy ra đột ngột với các triệu chứng như thân nhiệt tăng cao, vã mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, kích động, mê sảng, liệt cơ, hôn mê, nhịp tim rất nhanh, loạn nhịp, suy tim và cuối cùng dẫn đến trụy tim mạch… có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều trị bệnh cường giáp trẻ em ưu tiên điều trị nội khoa. Nếu điều trị nội khoa mà bệnh tái phát nhiều lần hoặc không có kết quả thì có thể lựa chọn các phương pháp iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt tuyến giáp.
Mẹ mang thai bị bệnh lý tuyến giáp cần chú ý
Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy - trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết bệnh tuyến giáp của mẹ (gồm cường giáp - chủ yếu là Basedow, và suy giáp - chủ yếu là viêm tuyến giáp Hashimoto) được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp cũng như bệnh tật lâu dài thai nhi và trẻ sơ sinh.
Ở hầu hết các nước phương Tây, sàng lọc tuyến giáp cho trẻ sơ sinh được làm thường quy, và mục đích chính là điều trị sớm thyroxine cho trẻ sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh nguyên phát.
Trong thực hành lâm sàng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh được thực hiện sau sinh 2-3 ngày hoặc 2 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên bên cạnh các nghiên cứu thấy sàng lọc ở trẻ sơ sinh có lợi ích thì một số lại không thấy.
Nghiên cứu được thực hiện tại một bệnh viện ở Israel, thu thập hồi cứu từ các hồ sơ y tế của các bà mẹ được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp và con của họ (496 cặp mẹ - trẻ sơ sinh), trong thời gian từ năm 2016-2019. Kết quả: Có 91,4% các bà mẹ bị suy giáp, trong đó 48,7% bị viêm giáp Hashimoto.
Tỉ lệ bị cường giáp là 8,6%, trong đó 71,6% bị mắc bệnh Basedow. Kết quả: Không có trẻ sơ sinh nào được chẩn đoán mắc suy giáp bẩm sinh. Hormone TSH >10 mIU/L ở 14,6% và >20 mUI/L ở 2,2% số trẻ; tất cả đều có FT4 trong giới hạn bình thường.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp phát hiện 4 trẻ mắc bệnh tuyến giáp, gồm 2 trẻ bị suy giáp bẩm sinh không liên quan đến bệnh tuyến giáp của mẹ, 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh gia đình thoáng qua và 1 trẻ mắc Basedow sơ sinh.
Như vậy việc xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho tất cả trẻ sơ sinh có mẹ bị rối loạn chức năng tuyến giáp dường như là quá "mạnh tay", không cần thiết. Tuy nhiên, nếu đã có anh chị em ruột bị suy giáp bẩm sinh thì xét nghiệm chức năng tuyến giáp, ngoài sàng lọc tuyến giáp sơ sinh, được khuyến nghị.
Các bác sĩ cho biết trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, phụ huynh có thể nhận biết những dấu hiệu cường giáp điển hình như: bướu cổ nhìn hoặc sờ thấy được, mắt lồi, sụp mí, khả năng tập trung kém, lo lắng hồi hộp, nóng, vã mồ hôi, run chân tay, tăng nhịp tim, sụt cân, chậm lớn…
Việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng giúp phát hiện sớm bệnh, kịp thời điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.
Do bệnh cường giáp nguyên nhân tiến triển từ bên trong cơ thể nên cha mẹ hầu như không phòng tránh được tuyệt đối cho con. Phụ huynh cần theo dõi, chăm sóc trẻ để phát hiện các biểu hiện sớm của cường giáp để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để tăng hiệu quả điều trị nên cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, xúc động quá mức.
Chế độ ăn phù hợp như: ăn bổ sung nhiều chất đạm, hoa quả, rau xanh và bổ sung các loại vitamin nhóm B. Hạn chế dùng những thức ăn có chứa nhiều iod hoặc sử dụng muối iod.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận