27/12/2019 08:13 GMT+7

Cần 'thăm khám' lá phổi xanh đô thị của TP.HCM

Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

TTO - Nhìn vào thực trạng cây xanh, có thể dự đoán tương lai của một thành phố. Tương lai các đô thị lớn sẽ ra sao khi dân số tăng, khói bụi ngày càng nhiều, cây xanh không có nhiều đất sống?

Cần thăm khám lá phổi xanh đô thị của TP.HCM - Ảnh 1.

Hàng cây xanh trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) góp một phần cho giá trị cuộc sống ở đô thị thêm xanh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - về sức khỏe "lá phổi" đô thị TP.HCM hiện nay.

99% diện tích cây xanh ở... ngoại thành

Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C (giảm "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị"), giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai tăng 23%. Một thành phố có nhiều cây xanh sẽ là nơi trong lành để sinh sống và hấp dẫn để đầu tư.

TP.HCM có trên 540 triệu m2 cây xanh, nhưng phân bố cây xanh ở nội và ngoại thành rất không đồng đều (nội thành chỉ chiếm khoảng 1%). Tỉ lệ che phủ cây xanh toàn thành phố là 26,3%, tỉ lệ che phủ nội thành là 3,9%. Tỉ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn thành phố là 13,74m2/người, bình quân trong nội thành chỉ có 1,95m2/người.

Cây xanh thành phố tập trung ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ. Trong khi đó, TP.HCM có cơ cấu hiếm thấy trên thế giới khi có đến hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa với khoảng 7% diện tích thành phố. Nghĩa là phần đông dân cư thành phố này đang sống giữa vùng không gian quá thiếu thốn xây xanh.

Để góp phần cải thiện bầu không khí đang ngày càng ô nhiễm hơn, vẫn cần phải nâng diện tích cây xanh trong nội thành lên mức 10-15m2/người (dù chỉ bằng 1/2 diện tích cây xanh của nhiều thành phố xanh trên thế giới) và nâng cao chất lượng các khoảng xanh ở ngoại thành để đảm bảo được chức năng phòng hộ cho nội thành.

Cần giải pháp quyết liệt

Theo đó, khu vực ngoại thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt như lâm viên, rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. Thành phố cần bảo tồn các khu rừng đước ngập mặn ở huyện Cần Giờ (33.000ha), rừng cây đất phèn ở huyện Bình Chánh, các khu rừng này chính là lá phổi xanh của thành phố.

Ở nội đô cần có giải pháp bổ sung công viên - cây xanh kết hợp với mặt nước, cây xanh hè phố, vỉa hè xanh thẩm thấu nước... và các công viên cây xanh.

Ở đô thị, yếu tố cây xanh thường được gắn liền với mặt nước tạo cảnh quan đặc sắc. TP.HCM là thành phố sông nước hiền hòa, gồm có các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè với 11 kênh rạch tỏa vào thành phố và rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng chiều dài kênh rạch lên tới 700km. Diện tích kênh rạch nội thành khoảng 835ha, hầu hết tập trung vào phía Nam và Đông thành phố.

TP.HCM đã có quy định các khoảng lùi từ bờ sông rạch tạo mảng xanh, kết hợp cây xanh với mặt nước. Dọc theo các sông lớn và kênh rạch giữa lòng thành phố có thể phát triển những không gian xanh lớn hơn nhiều.

Việc trồng cây xanh trên mái nhà không còn quá xa lạ với các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng ở Việt Nam nó vẫn là khái niệm mới mẻ. Cần khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh để tiết kiệm năng lượng. Cần phát triển thêm diện tích đường lộ, vỉa hè, đến mái nhà và mặt đứng nhà sẽ từng bước giúp tăng dần diện tích cây xanh nội đô.

Ở TP.HCM, các đường Đồng Khởi, Đông Du, Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan trồng cây me; đường Mạc Đĩnh Chi và nhiều đường khác trồng cây hoa dầu; đại lộ Đông Tây, các đường Lê Trọng Tấn, Tây Thạnh, Huỳnh Tấn Phát, Cộng Hòa trồng cây bằng lăng hoa tím; trước Hội trường Thống Nhất trồng cây sao và đường đi bộ Nguyễn Huệ trồng cây lộc vừng.

Những hàng cây hai bên đường phố ở TP.HCM cũng là một phần giá trị cuộc sống ở đô thị. Cần có thêm những đại lộ xanh, ngoài việc trồng cây xanh dọc theo trục lộ, còn có hố cây xanh thấm lọc, mương thực vật. Lát gạch vỉa hè nên sử dụng các loại gạch tổ ong để trồng cỏ xen kẽ và giúp thoát nước mưa nhanh xuống đất.

Tăng cây xanh, tăng sức khỏe cho lá phổi thành phố, đó là cách tăng chất lượng sống cho người dân đô thị như cách người ta thường xuyên thăm khám, chăm sóc sức khỏe lá phổi của mình. Trước thực tế ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề hơn hiện nay, phát triển cây xanh là việc cấp bách cần phải làm bằng những giải pháp quyết liệt nhất.

Những năm gần đây, mỗi năm TP có thêm khoảng 200.000-300.000 người nhập cư. Hiện TP đã có hơn 10 triệu người trong khi công viên cây xanh có rất ít. Quỹ đất trống trên địa bàn hầu như không còn nhiều.

Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước như: Tao Đàn, Lê Văn Tám, Thảo cầm viên, Hoàng Văn Thụ, Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa..., việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. Theo đó, TP.HCM chỉ phát triển thêm công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2 với khoảng 21ha và công viên 23-9 (quận 1) khoảng 9ha.

Rửa đường giảm bụi: chỉ là giải pháp tạm

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất rửa 31 tuyến đường trục chính với chiều dài hơn 260km, để giảm ô nhiễm không khí đang có dấu hiệu gia tăng tại TP. Trước đó, UBND các quận ở TP Hà Nội cũng đề nghị triển khai việc rửa đường đang mù bụi ở các tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Rửa đường chỉ là giải pháp tạm thời có thể giúp cải thiện một phần tình trạng ô nhiễm không khí đô thị, nhưng về lâu dài phải có phương án căn cơ để giảm khói bụi độc hại. Bảo vệ và phát triển cây xanh để lọc không khí là một giải pháp cho lâu dài.

Hàng ngàn cây cổ thụ đã nhường chỗ cho những công trình giao thông. Quá nhiều nhà cao tầng, chung cư "mọc" lên vắng bóng cây xanh. Lúc lập quy hoạch, mảng xanh được vẽ thật đẹp nhưng sau đó cây xanh thưa thớt.

Cần các biện pháp cho việc phát triển cây xanh, mảng xanh đô thị. Các dự án xây dựng phải ưu tiên cho mảng xanh, đánh giá và chấm điểm các công trình, tòa nhà, khách sạn, khu dân cư dựa trên tiêu chí cây xanh.

Trồng cây trên đường phố cần chăm sóc và bảo vệ đúng mức, chọn cây phù hợp, ưu tiên khả năng lọc không khí. Các trường hợp xâm hại cây xanh đều phải bị xử lý nghiêm để răn đe, cảnh báo.

ĐỖ NGÔ TRẦN

Siết tiêu chuẩn khí thải, tăng diện tích cây xanh để giảm ô nhiễm Siết tiêu chuẩn khí thải, tăng diện tích cây xanh để giảm ô nhiễm

TTO - Quản lý lỏng, Hà Nội và TP.HCM cần thực hiện nhanh những giải pháp có tính dài hạn để giảm ô nhiễm. Có nhiều việc các thành phố có thể làm.

Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên