TTCT - LTS: Thực tiễn hiện nay chứng minh báo cáo Các giới hạn tăng trưởng (The limits to growth, công bố năm 1972) đã dự đoán chính xác những vấn đề nhân loại phải đối phó. Kỷ niệm 40 năm báo cáo này, dự án “Thế giới trước năm 2050” của Nga đã phỏng vấn viện sĩ khoa học Natalia Tarasova, viện trưởng Viện Hóa học và những vấn đề phát triển bền vững thuộc Đại học Mendeleyev. TTCT trích dịch. Phóng to Nguồn: http://gaiachange.blogspot.com/p/global-change-model.html - Đồ họa: L.T. Sự bần cùng sinh thái chưa từng có * Natalia Pavlovna Tarasova, bà là một trong những nhà khoa học tiền phong trong lĩnh vực phát triển bền vững với 30 năm nghiên cứu về những vấn đề toàn cầu. Hình dung của bà về các triển vọng này có thay đổi không những năm gần đây? Phóng to Bà Natalia Tarasova - Ảnh: imageevent.com - Với những chuyên gia nghiên cứu về phát triển bền vững, kể từ khi xuất hiện những nghiên cứu loại này (tức công trình Các giới hạn tăng trưởng) thì không có gì xảy ra trên thế giới này đáng ngạc nhiên cả. Tất cả xu hướng hiện giờ chúng ta quan sát thấy - gia tăng dân số thế giới, suy thoái chất lượng môi trường xung quanh, các vấn đề với nguồn nước sạch, nạn đói - tức những vấn đề liên quan tới việc tăng dân nhanh hơn tốc độ phát triển công nghệ sản xuất các thực phẩm dinh dưỡng - đều đã được các nhà khoa học dự báo. Tôi chỉ muốn nói riêng là các tác giả của Các giới hạn tăng trưởng khi viết nên công trình này chỉ ở độ tuổi 26-28. Tiếc là trong 40 năm qua chúng ta không còn nghe những cảnh báo như thế nữa, mặc dù chính những quan điểm đó đã hình thành nên các chính khách, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội... * Những xu hướng nào trong số chúng làm bà quan ngại hơn cả? - Dân số thế giới hiện hơn 7 tỉ người. Chỉ trong một cuộc đời của những người sinh ra vào thập niên 1950, dân số thế giới đã tăng gấp ba. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Sự phát triển dân số này trước tiên gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như việc tăng tuổi thọ, giảm tử vong trẻ em... Tất cả là kết quả của việc cải thiện điều kiện sống và thành tựu y học. Nhưng cùng lúc, hiện nay con người đang sống trong sự bần cùng sinh thái chưa từng có trong lịch sử. ... Như ta biết, trong 50 năm gần đây việc tiêu thụ năng lượng đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Và chỉ mới gần đây người ta mới nhận thức được rằng sự gia tăng vượt trội này là ngõ cụt của phát triển, cần có các giới hạn...Và khi tài nguyên bắt đầu cạn kiệt, nảy sinh những tình cảnh trớ trêu như chất thải gây hại môi trường do con người tạo ra tại bán đảo Kola (ở tây bắc Nga, nằm giữa biển Barents và Bạch Hải - ND) lại chứa nhiều đất hiếm hơn ở các quặng đang được khai thác. Hay trong công nghiệp khai thác vàng ở Nam Phi, người ta sàng lại chất thải tích tụ từ các công đoạn sản xuất vàng đầu thế kỷ... * Còn về các xu hướng trong việc gây ô nhiễm môi trường, bà có thể nói gì? - Trong khi nhân loại hưởng thụ những thành quả phát triển, không ai nghĩ rằng khả năng hành tinh dung chứa chất thải môi trường là có giới hạn. Về việc này tôi muốn nhắc tới một công trình cơ bản Các giới hạn của hành tinh (Planetary Boundaries) đăng trên The Nature năm 2009. Công trình này chỉ rõ những giới hạn nào con người không được vượt qua. Ở các nước công nghiệp phát triển, người ta đã đánh động được nhận thức về việc phải thận trọng hơn với khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng thí dụ như vấn đề axit hóa các đại dương thì xã hội vẫn chưa nhận thức được, mà nó không chỉ là vấn đề của sự đa dạng sinh thái hay của các dải san hô. Việc axit hóa đại dương đang thay đổi khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển, và liên quan tới đó là việc tăng nhanh các tiến trình biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên trong giải quyết các vấn đề liên quan đến các giới hạn của hành tinh có những thí dụ thành công, chẳng hạn như vấn đề giải quyết lỗ hổng tầng ozon hay freon (chlorofluorocarbon, chất làm lạnh được coi là tác nhân chính phá hỏng tầng ozon - ND) khi nhân loại có thể đi tới một thỏa thuận. Cảnh báo là chiến lược tốt nhất * Sự phát triển có nguy cơ thiếu bền vững trong tương lai có thể kết thúc bằng một thảm họa toàn cầu. Bà nhận thấy gì về chiến lược hành động để cảnh báo bước ngoặt này? - Như một nhà sư phạm, tôi phải là người lạc quan, nhưng như một con người gắn với các hướng phát triển khoa học tự nhiên, tôi phải nói là tình hình rất phức tạp. 7 tỉ người sống trên hành tinh phải cùng hành động để đạt các mục tiêu mà họ chia sẻ. Muốn vậy phải thay đổi giáo dục theo cách tương ứng, sau đó mới thay đổi được nhận thức. Chính vì vậy tôi nói về các khía cạnh đạo đức của vấn đề, bởi việc thay đổi văn hóa nhận thức của quần chúng là một tiến trình của quán tính và rất lâu dài. Dĩ nhiên có thể đi bằng những con đường khác như tạo ra các biện pháp thích nghi với thay đổi khí hậu, thí dụ gia tăng bề mặt của vùng (đất) khô, bắt đầu các tiến trình biến đổi gen để gia tăng mùa màng, nhưng than ôi chúng ta biết rõ về hậu quả của những hành động này. Đơn giản là không có một bước đi duy nhất nào để giải quyết hàng đống vấn đề của thế giới hiện nay. Cần những kế hoạch có tính chiến lược trong khuôn khổ các quốc gia, bởi đang tồn tại mâu thuẫn giữa những quyết định ngắn hạn và dài hạn, vì các nhà hoạt động chính trị làm việc trong một triển vọng ngắn hạn và chủ yếu quan tâm tới sự nghiệp bản thân của họ. Các bạn có thể phản đối với lập luận: những vấn đề gắn với nạn đói, cạn kiệt tài nguyên hay suy đồi môi trường ở Nga sẽ không xuất hiện ngay mà tận sau 50 năm nữa, khi đó ta có thể gửi con cháu mình tới đâu đó ít nguy hiểm hơn. Đó là thí dụ điển hình của việc thiếu một hiểu biết hệ thống, bởi không có “chỗ nào khác” khi ta cùng sống trên một hành tinh, nơi mọi thứ đều tương quan. Từ đó, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. * Mọi người đều biết rằng trong sự phát triển công nghệ tồn tại một độ trễ - phải mất 25-40 năm kể từ khi một ý tưởng ra đời đến khi nó được áp dụng rộng rãi. Có thể nói đúng như vậy với lĩnh vực giáo dục, khi thời kỳ chậm trễ giữa việc tiếp cận đến khi bắt đầu thực hiện ý tưởng có thể mất 15-18 năm. Liệu đó có phải là quá trễ, nếu tính đến các tiến trình đang lao nhanh về phía trước? - Những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục hiểu điều đó, vì vậy chiến lược của chúng ta hiện nay là học tập suốt đời. Nhiệm vụ chính trong trường phổ thông và đại học không đơn giản là dạy đọc và viết, mà là dạy người ta cách học và khi đó độ trễ này sẽ không còn nữa. Bởi dạy học giờ đây có nghĩa là dạy để biết cách dự báo vấn đề, đưa ra trước các biện pháp. Người điều hành phải lãnh đạo sao cho những vấn đề không nảy sinh, vì thế việc cảnh báo các vấn đề chính là chiến lược tốt nhất. * Bà có thể nói gì về 40-50 năm sau? - Trong lĩnh vực phát triển bền vững, năm 1972 các nhà khoa học đã tiến hành một công việc thực tế và lý thuyết rộng lớn. Báo cáo Các giới hạn tăng trưởng không phải làm con người lo sợ, mà là buộc nhân loại phải suy nghĩ và thay đổi tương lai của mình. Bởi chúng ta chỉ có thể thay đổi tương lai nếu hiểu phải xây nó ra sao, và đặt ra trước mắt mục tiêu bảo vệ thế giới này cho các thế hệ mai sau. Thú vật không thể thay đổi tương lai của chúng, nhưng con người có thể bởi chúng ta có lý trí. * Lý trí là gì, thưa bà? - Viện sĩ Nikita Moiseev (*) trong một cuộc trò chuyện đã nói lý trí là khả năng nhìn vào chính mình từ phía khác. “Các giới hạn tăng trưởng” do nhóm Câu lạc bộ Rome, gồm các nhà khoa học môi trường Donella và Dennis Meadows (Mỹ), Jørgen Randers (Na Uy) và William W. Behrens III (Mỹ) công bố năm 1972. Cơ sở khoa học của báo cáo là mô hình thế giới có tên World3, được xây dựng trên ngôn ngữ toán học và mô phỏng trên máy tính điện tử. Báo cáo dự đoán tăng trưởng kinh tế không thể tiếp tục vô thời hạn vì nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hạn chế, và nếu tiếp tục duy trì xu hướng tăng dân số, nhịp độ công nghiệp hóa, mức độ ô nhiễm môi trường, sản xuất lương thực, khai thác tài nguyên như hiện nay (tức vào thời điểm thập niên 1970) thì trong thế kỷ 21 thế giới sẽ đạt giới hạn tăng trưởng và kết quả là sự sụp đổ không tránh khỏi. Sụp đổ ở đây được hiểu là nền sản xuất và dân số của nhân loại sẽ đột ngột giảm sút theo một cách thức không mong muốn và không kiểm soát được. __________ (*): Nikita Nikolaievich Moiseev (23-8-1917 - 29-2-2000), nhà khoa học Nga Xô viết trong lĩnh vực cơ khí và toán học thực hành, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô và sau là Nga, tác giả nhiều công trình khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực toán học vật lý và điều khiển học. Tags: Tương laiCửa sổ khoa họcTài nguyênNhân loạiNatalia TarasovaĐại học Mendeleyev
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.