20/04/2021 08:55 GMT+7

Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu

ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY
ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY

TTO - Theo một chuyên gia về lao động, năm 2020, có 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng có 880.000 người nhận BHXH một lần, tức sau này không có lương hưu. Vì vậy cần sửa Luật BHXH để có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.

Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi nhằm sửa đổi những tồn tại, hạn chế của Luật BHXH hiện hành (ban hành năm 2014), trong đó có việc nhiều người quan tâm là rút ngắn thời gian tối thiểu được hưởng "lương hưu" từ 20 năm xuống thời gian ngắn hơn là 15 năm hoặc 10 năm.

Người bỏ BHXH trước nghỉ hưu khá lớn

Lý do của việc sửa đổi, một chuyên gia về BHXH cho rằng với chính sách BHXH hiện nay, tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. 

Ngoài ra, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn...

Theo Bộ LĐ-TB&XH, diện bao phủ BHXH cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế hiện nay còn thấp. Đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, còn gần 32 triệu người còn lại (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Trong tờ trình, lý do của việc cần thay đổi Luật BHXH là để "thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH" cũng như tạo "sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan"... Cụ thể, nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đây là một thách thức rất lớn.

Nhìn lại thực tế đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu thì có khoảng 9,2 triệu người (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Số còn lại gồm trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) và hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người).

"Chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do ngân sách đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn. Năm 2020, chỉ có khoảng 1 triệu người tham gia BHXH thì cũng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần", một chuyên gia về BHXH ở Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.

Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu - Ảnh 2.

Công nhân nhà máy túi xách (TBS Group, Thuận An, Bình Dương) trở lại làm việc bình thường sau dịch COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mục tiêu đóng BHXH 10 năm cũng có lương hưu

Một trong những thay đổi được nhiều người quan tâm là theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm như hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bình luận về đề xuất này, ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết với số lượng chỉ khoảng 1/3 lao động tham gia BHXH; số còn lại thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do chưa tham gia BHXH có thể xem là một mối lo.

Cụ thể, số người không tham gia BHXH khi họ về già không có lương hưu sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội. Do đó, điều cần hướng tới là làm sao để người lao động tham gia BHXH có thể duy trì thời gian đóng BHXH để về già có sổ hưu và không hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Để làm được điều đó, một mặt phải tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của lương hưu, không chỉ ở khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi họ về già. Vì thế, quy định để người lao động có thêm cơ hội có lương hưu bằng cách giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu, thay vì phải đóng tối thiểu 20 năm thì có thể giảm xuống 15 năm, 10 năm như nhiều nước đang làm là điều hợp lý và khuyến khích người lao động tham gia.

"Đây là điều hoàn toàn hợp lý, giúp người lao động có thêm động lực tham gia BHXH đủ số năm để hưởng lương hưu. 20 năm đóng BHXH như quy định hiện nay quá dài khiến người lao động có tâm lý rằng họ không thể nào làm việc đủ 20 năm và có xu hướng rút trợ cấp BHXH một lần mỗi khi chuyển việc" - ông Chính nói.

Thu hút và "giữ chân" bằng cách nào?

Từ mục tiêu phải tăng diện bao phủ và đối tượng thụ hưởng BHXH: năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45%, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội và tiếp tục tăng lên vào năm 2030, Bộ LĐ-TB&XH đưa giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...

Với việc "giữ chân" người lao động ở lại với BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần (có lộ trình). Sửa đổi các căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ BHXH đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện...

Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu - Ảnh 3.

Tình hình người sau tuổi về hưu tại VN đến năm 2020 - Đồ họa: T.ĐẠT

Chị Lê Thị Nhung (36 tuổi, công nhân Công ty Danu Vina - TP.HCM):

Ai chẳng muốn có lương hưu, nhưng...

Tôi làm công nhân 9 năm và may mắn công việc ở công ty ổn định, không phải nghỉ ngang nên 9 năm đóng BHXH vẫn giữ nguyên. Nhưng nếu đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu, như vậy phải làm việc thêm 11 năm nữa. Tôi cũng không nghĩ có thể đóng được 20 năm.

Hai vợ chồng tôi có ba đứa con nhỏ đi học, sắp tới cũng dự tính đưa con về quê dù chưa biết khi nào. Ở thành phố nuôi ba đứa con đi học rất vất vả mới trang trải nổi chi phí. Về quê không làm công nhân nữa, nhận BHXH một lần làm vốn làm ăn nuôi con. Hai vợ chồng ở trọ làm công nhân nuôi ba đứa con, làm gì có dư. Nhưng nếu thời hạn đóng BHXH rút xuống 10-15 năm sẽ nhận được lương hưu, chắc tôi cũng cố đóng cho đủ số năm.

Anh Vũ Xuân Lộc (46 tuổi, công nhân Công ty Kachiboshi Việt Nam - TP.HCM):

Tính sao có lợi cho người công nhân

Tôi xác định cố làm nuôi con ăn học, đóng BHXH để khi về già, có lương hưu ổn định, không lệ thuộc con cái. Tôi được biết khi đóng đủ 20 năm, rồi mỗi năm đóng thêm, lương hưu sẽ tăng thêm 2%. Nhưng hầu hết người trẻ bây giờ muốn làm công nhân vài năm rồi ra ngoài kiếm nghề làm ăn, buôn bán, làm nghề tự do chứ không muốn làm công nhân lâu dài.

Vậy nên để làm việc liên tục 20 năm, người đóng BHXH 20 năm ít lắm. Phần lớn họ rút BHXH một lần khi phải nghỉ công ty cũ chuyển sang công ty mới... Nếu luật cho đóng BHXH 10 năm, 15 năm hưởng lương hưu, người ta sẽ cố gắng đeo đuổi để có lương hưu...

Hưu trí tăng nhanh

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; năm 2006 tỉ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỉ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.

Phải làm "sống lại" điều 60 Luật BHXH

Ngoài việc hạ mốc thời gian tối thiểu được nhận BHXH được người lao động quan tâm thì hiện các chuyên gia lại mong muốn làm sống dậy điều 60 Luật BHXH năm 2014: hạn chế việc nhận BHXH 1 lần.

Chiều 19-4, ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - chia sẻ: điều 60 của Luật BHXH năm 2014 quy định các điều kiện hưởng BHXH 1 lần nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia BHXH. Thời điểm đó, người lao động của chúng ta không hiểu rõ nên đã phản ứng, dẫn đến việc Quốc hội phải xem xét, ra nghị quyết số 93 năm 2015 về thực hiện chính sách BHXH 1 lần.

Có thể nói điều 60 của Luật BHXH 2014 là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho người lao động tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, được hưởng bảo hiểm y tế và được hưởng trợ cấp tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Sau khi nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng BHXH 1 lần. Năm 2020, có 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH vì hưởng BHXH 1 lần, trong khi cả nước chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia hệ thống BHXH năm 2020. Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước và rõ ràng nó dẫn đến một hệ lụy là chúng ta sẽ không thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân.

Ông Lợi cho biết trước diễn đàn Quốc hội ông cũng đã kiến nghị Chính phủ đánh giá một cách đầy đủ tình hình thực hiện chính sách BHXH 1 lần và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi nghị quyết số 93, để tiếp tục cho điều 60 "sống lại" theo đúng tinh thần của Luật BHXH năm 2014.

Trong khi đó, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng không phải đến bây giờ mà từ năm 2006 hay đến 2014 thì Bộ LĐ-TB&XH đã nhìn thấy những bất cập, mất cân đối trong thực hiện các chính sách liên quan đến lương hưu, BHXH nên khi đó cơ quan này đã kiến nghị việc sửa đổi luật để tăng tuổi nghỉ hưu, hạn chế việc hưởng BHXH 1 lần.

Tuy nhiên do tuyên truyền, giải thích chưa rõ nên khi Luật BHXH năm 2014 có điều 60 để hạn chế hưởng BHXH 1 lần đã bị phản ứng khiến Quốc hội phải có nghị quyết dừng thi hành điều 60.

"Tôi hi vọng Luật BHXH sửa đổi lần này sẽ có những giải pháp, có những đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân" - ông Huân trao đổi.

Ông Mai Đức Chính (nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN) cũng cho rằng việc quy định hưởng trợ cấp BHXH 1 lần cần được siết lại theo lộ trình. Hiện nay sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH và thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì người lao động có thể rút trợ cấp 1 lần.

Để tránh tình trạng này, có thể "làm khó" thêm các quy định như kéo dài thời gian nghỉ việc thành 2-3 năm hoặc quy định người nào phải có điều kiện thực sự khó khăn thì mới được hưởng trợ cấp 1 lần thay vì cào đều như hiện nay.

V.THỦY

Đ.BÌNH

Gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị sửa Luật Gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị sửa Luật

TTO - Đến hết tháng 12-2020, cả nước vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm tỉ lệ 66,5%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị sửa đổi Luật BHXH 2014.

ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên