01/06/2015 08:45 GMT+7

Cần sửa không chỉ điều 60 Luật BHXH

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT -  Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông ĐẶNG NGỌC TÙNG, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, xung quanh kiến nghị xem xét sửa điều 60, điều 62 và điều 77 Luật BHXH.

Trong khi Quốc hội thảo luận sôi nổi và chuẩn bị lấy ý kiến biểu quyết về việc sửa hay không sửa điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) một lần nữa gửi công văn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị: xem xét sửa điều 60, điều 62 và điều 77 Luật BHXH.

Ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: T.Tùng
Ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: T.Tùng
Tất cả đại biểu Quốc hội nên đặt mình vào trường hợp những công nhân như vậy để thấy cần phải làm gì. Tôi đã kiến nghị nhiều lần, trong kỳ họp Quốc hội trước, tôi đã đề nghị chưa thông qua Luật BHXH trước khi sửa điều này
Ông Đặng Ngọc Tùng

Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết: “Tôi đánh giá cao tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội sửa điều 60 của Luật BHXH theo hướng để người lao động được chọn lựa nhận trợ cấp BHXH một lần hoặc bảo lưu như Luật BHXH năm 2014. Điều đó thể hiện sự nhạy bén, biết lắng nghe, không câu nệ của Chính phủ trong việc tiếp thu ý kiến người lao động”.

Không phân biệt trong hay ngoài khu vực nhà nước

* Trong kiến nghị của TLĐ và các phát biểu của mình, ông đều nhấn mạnh việc Luật BHXH cần phải sửa toàn diện, không riêng điều 60. Ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Theo tôi, sửa điều 60 chưa đủ mà còn phải sửa điều quan trọng hơn là có sự phân biệt đối xử khi tính lương hưu: ưu đãi cho người lao động khu vực nhà nước và xem nhẹ quyền lợi người lao động ngoài khu vực nhà nước.

Ngay tại kỳ họp này, một đại biểu TP.HCM có đưa ra ví dụ một trường hợp công nhân đóng BHXH 18 năm, sau đó nghỉ việc và tham gia đóng BHXH tự nguyện để đủ 20 năm và được lĩnh lương hưu chỉ có 900.000 đồng/tháng.

Thật xót xa! Tôi khẳng định công nhân này làm việc trong khu vực ngoài nhà nước, nếu làm việc trong khu vực nhà nước thì chắc chắn lương hưu không thấp như vậy. 

* Trên thực tế trong tháng 3-2015 có tình trạng người lao động đình công, ngừng việc để đòi quyền hưởng BHXH một lần, yêu cầu sửa điều 60 Luật BHXH nhưng lại chưa ghi nhận được những kiến nghị về điều 62. TLĐ đã dự đoán trước để kiến nghị điều này?

- Điều 62 không có tác động ngay lập tức với người lao động như điều 60 nên ngay lúc này họ chưa cảm nhận được. Vì trách nhiệm với người lao động, chúng tôi kiến nghị: không phân biệt người lao động trong hay ngoài khu vực nhà nước, đã là cán bộ công chức hay người lao động, cùng tham gia đóng góp quỹ BHXH thì phải có cách tính và hưởng như nhau.

Nghĩa là người lao động đóng theo thang bảng lương của Nhà nước quy định hay do doanh nghiệp tự xây dựng thì đều phải tính bình quân tiền lương tháng của cả quá trình đóng BHXH mới đảm bảo công bằng và an toàn bền vững cho quỹ BHXH.

Nếu tính như Luật BHXH 2014, hai người lao động có trình độ như nhau, thời gian tham gia và đóng BHXH như nhau, sau 30 năm lương hưu của người làm nhà nước sẽ cao gần gấp đôi người làm ngoài nhà nước.

BHXH có trách nhiệm rất nặng nề

* An toàn của quỹ BHXH cũng là một lý do khiến người lao động không yên tâm với quy định chờ đủ thời gian để lĩnh lương hưu của điều 60. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có khuyến nghị: nếu BHXH Việt Nam vẫn duy trì theo cách thu và chi như hiện tại thì 36 năm nữa quỹ BHXH sẽ vỡ. Ông nghĩ như thế nào về khuyến nghị này?

- Làm gì có chuyện vỡ quỹ được. Luật BHXH sẽ được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam. Thu nhập và tuổi thọ của người Việt Nam tăng trong những năm tới, do đó BHXH sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đóng BHXH và số tiền đóng cũng tăng. Mức hưởng thụ sẽ được cân đối theo sự bền vững và chia sẻ của quỹ BHXH.

* Như vậy nếu muốn bảo đảm cân đối bền vững quỹ, Luật BHXH Việt Nam sẽ sửa theo hướng thời gian đóng BHXH dài hơn nhưng mức hưởng thấp hơn, lương hưu trả cho người lao động sẽ không đủ sống. Ông có thấy như vậy là họ quá bị thiệt thòi?

- Ý nghĩa sâu xa của BHXH là một chính sách rất nhân văn, khi người lao động đi làm, có thu nhập thì họ đóng BHXH, doanh nghiệp và Nhà nước hỗ trợ, giống như của để dành. Hết tuổi lao động, họ được lĩnh lương hưu.

Nhưng nếu quản lý không tốt, đồng tiền để dành đó không được sinh sôi, nảy nở, không tăng lên, đến nỗi khi về hưu họ lĩnh lương hưu quá thấp, không đủ sống thì chúng ta có lỗi với người lao động.

Do đó cơ quan BHXH phải có trách nhiệm rất nặng nề, phải tinh giản tối đa bộ máy, trong công tác quản lý phải tiết kiệm, hiệu quả và đồng tiền tích lũy đó phải được sinh lời tối đa... Có như vậy khi người lao động nghỉ hưu mới không bị thiệt thòi.

Người lao động phải được quyền lựa chọn

* Có nhiều người tính toán với toàn bộ số tiền đó (người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước hỗ trợ) nếu để người lao động và chủ doanh nghiệp chọn lựa các công ty bảo hiểm nổi tiếng (Prudential, Bảo Việt, PVI, Bảo Minh...) để đóng giống như gửi tiết kiệm thì họ sẽ có lợi hơn. Với tư cách đại diện cho người lao động, quan điểm của ông về việc này ra sao?

- Hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới đều có BHXH nhưng rất khác nhau về cách quản lý. Có nước tập trung như chúng ta (Trung Quốc, Cuba, Belarus, Mông Cổ…), nhưng có nhiều nước BHXH cho cán bộ công chức nhà nước thì nhà nước lo, còn đối với người lao động ngoài nhà nước thì do các công ty BHXH lo.

Dù cách nào, mục đích cuối cùng đều là làm sao bảo đảm an toàn nhất, hiệu quả nhất, có lợi nhất cho người lao động và cho sự an toàn xã hội. Và điều quan trọng là người lao động được quyền lựa chọn.

Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ quan điểm người lao động được tự do lựa chọn BHXH của Nhà nước hay các công ty BHXH khác.

 

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên