Doanh nghiệp than đã "hết oxy để thở" vì bị ách tiền thuế, trong khi ngành thuế cũng nêu lý do của mình.
Không khiếu nại được ở cơ quan thuế địa phương, doanh nghiệp đã kêu cứu lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và cả Quốc hội. Có thể thấy cơ quan thuế và doanh nghiệp không có tiếng nói chung nên cần phải có phiên điều trần về hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) để xem ai đúng ai sai.
Chậm hoàn thuế VAT gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp
Chính phủ và đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo cần giải quyết nhanh các vướng mắc về hoàn thuế VAT. Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu mở phiên điều trần việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất kỳ vọng phiên điều trần này sớm diễn ra để có thể nói rõ thực trạng cũng như nỗi lòng của mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Công ty LiOA, khẳng định LiOA không được hoàn thuế VAT từ đầu năm 2023 đến nay với số tiền chậm hoàn thuế lên đến hơn 200 tỉ đồng.
"LiOA đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, nguy cơ phá sản khiến 2.000 công nhân thất nghiệp, không có thu nhập vì bị đứt gãy dòng tiền do bị chậm hoàn thuế VAT. Trong số hơn 200 tỉ đồng tiền chậm hoàn thuế, LiOA ở Đồng Nai bị chậm khoảng 150 tỉ đồng, LiOA Bắc Ninh 30 tỉ, còn LiOA ở Hà Nội 23 tỉ", ông Linh than thở.
Ông kể chi tiết: phía Cục Thuế Đồng Nai cho biết do LiOA mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro trong khi LiOA đâu biết doanh nghiệp bán hàng cho mình thuộc danh sách rủi ro hay không. Hồ sơ đề nghị hoàn thuế đúng quy định nhưng bảy tháng qua doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế.
Vừa qua LiOA đã có đơn kêu cứu khẩn cấp lên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội về việc đứng trước nguy cơ phá sản vì bị trì hoãn hoàn thuế VAT quá lâu.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản, tình trạng còn bi đát hơn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Sĩ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khẳng định theo thống kê sơ bộ, ước tính số tiền mà các doanh nghiệp ngành gỗ bị chậm hoàn thuế VAT đã lên tới hơn 6.000 tỉ đồng, trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Điều này gây tổn thất rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ trong bối cảnh chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hết sức khó khăn như hiện nay.
Thậm chí, Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT một cách nhanh chóng và kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ, trước ngày 28-5. Thế nhưng cho đến nay đã hơn hai tháng trôi qua, nhiều hồ sơ của doanh nghiệp gỗ vẫn chưa có câu trả lời.
Theo ông Hoài, việc cơ quan thuế đưa doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện "kiểm tra trước, hoàn thuế sau" là gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì để hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, cơ quan thuế truy xuất nguồn gốc của gỗ đến tận hộ nông dân trồng rừng. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 1 triệu hộ trồng rừng ở khắp cả nước. Mỗi hộ có vài héc ta, thậm chí chỉ 1ha rừng trồng cây keo.
Ngoài truy xuất đến tận người nông dân trồng rừng, như là những F0, cơ quan thuế còn xác minh chuỗi cung ứng của sản phẩm qua các thương lái, tham gia các khâu khai thác, vận xuất và thu gom gỗ, rồi sơ chế xẻ/sấy gỗ và vận chuyển cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp đầu chuỗi chế biến ra sản phẩm xuất khẩu.
Việc truy xuất và xác minh đầu vào này rất gian truân, mất rất nhiều thời gian, thậm chí không khả thi, khiến việc hoàn thuế kéo dài hoặc không thực hiện được, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Ông Hoài đề nghị đưa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ra khỏi danh sách rủi ro. Thực tế có thể có một vài hoặc vài chục doanh nghiệp sai phạm mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, nhưng không phải vì thế mà đánh đồng doanh nghiệp nào cũng gian lận để áp dụng một quy trình hoàn thuế rất gian nan với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngành thuế nói gì?
Trong khi các doanh nghiệp kêu khóc vì bị chậm hoàn thuế hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng suốt hai năm qua thì cơ quan thuế lại đưa ra một thực tế hoàn toàn khác để lý giải vì sao không hoàn thuế.
Dẫn chứng cụ thể trong trường hợp này là Công ty LiOA tại Đồng Nai. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho biết trước năm 2023 Công ty LiOA thuộc diện hoàn trước kiểm sau, hoàn theo từng tháng.
Ngày 31-12-2022, Cục Thuế Đồng Nai ban hành quyết định kiểm tra quyết toán thuế từ năm 2019 - 2021 đối với LiOA. Tuy nhiên khi nhận được quyết định, công ty này đã làm văn bản xin gia hạn được kiểm tra sau ngày 31-3-2023 vì bận làm quyết toán thuế năm 2022 và được Cục Thuế Đồng Nai chấp nhận.
Thực tế cho thấy các công ty cung cấp đầu vào cho LiOA Đồng Nai đa số ở trạng thái "không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế", "người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế", "người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh có thời hạn".
Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực thương mại, mới cấp mã số thuế nhưng phát sinh doanh thu rất lớn, sau đó "biến mất" để tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế.
Nhận thấy có dấu hiệu rủi ro cao nên Cục Thuế Đồng Nai tiếp tục rà soát hết từ năm 2019 đến tháng 3-2023 thì cũng phát hiện rất nhiều doanh nghiệp bán hàng cho LiOA ngừng, nghỉ kinh doanh như trên. Do đó, Cục Thuế Đồng Nai chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ tháng 2 và tháng 3-2023 từ diện "hoàn trước, kiểm sau" sang diện "kiểm trước, hoàn sau".
Kết quả kiểm tra từ tháng 1-2019 đến tháng 3-2023 cho thấy Công ty LiOA Đồng Nai có dấu hiệu sử dụng hóa đơn VAT đầu vào không hợp pháp của 66 doanh nghiệpvới trị giá gần 5.880 tỉ đồng, tương ứng với số thuế VAT là gần 588 tỉ đồng.
Tính riêng với hồ sơ hoàn thuế VAT tháng 2, tháng 3 với số tiền đề nghị hoàn là hơn 60 tỉ đồng, cơ quan thuế phối hợp với chính quyền xác minh 9/13 doanh nghiệp cung cấp đồng phế liệu cho LiOA Đồng Nai thì 9/9 doanh nghiệp đều không có thật.
Đáng chú ý dù không có thật nhưng theo đăng ký thuế vẫn đang kê khai thuế bình thường. Bốn doanh nghiệp còn lại thì có một doanh nghiệp chỉ thuê nhà trọ để treo bảng hiệu, không có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh.
Tổng số thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro về hóa đơn, có dấu hiệu hóa đơn đầu vào VAT không hợp pháp của kỳ đề nghị hoàn thuế VAT tháng 2, tháng 3 là hơn 53 tỉ đồng. Do vậy, Cục Thuế Đồng Nai chỉ chấp nhận hoàn thuế cho doanh nghiệp này hơn 10 tỉ đồng.
Còn đối với hồ sơ đề nghị hoàn tháng 4 và tháng 5-2023 là 70 tỉ đồng, hiện cơ quan thuế đang trong thời hạn giải quyết hoàn thuế theo quy định là 40 ngày, dự kiến chỉ hoàn 4 tỉ đồng với lý do như đã nêu trên.
Về lập luận của Công ty LiOA "không biết độ rủi ro" của các công ty bán hàng cho mình và trách nhiệm đó thuộc về cơ quan thuế thì bên thuế cho rằng "không hợp lý".
Theo bên thuế, các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới khi sản xuất hàng hóa đều phải biết nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thậm chí với một số thị trường thì việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, hàng hóa là bắt buộc.
Cơ quan thuế và cơ quan chức năng cần phải làm rõ mối quan hệ giữa Công ty LiOA Đồng Nai và các doanh nghiệp bên bán sau đó biến mất, làm rõ nguồn gốc hàng hóa "đồng sạch, phế liệu đồng" từ đâu.
"Đối với Công ty LiOA Đồng Nai, đầu ra hưởng thuế 0% được hoàn thuế, nhưng các doanh nghiệp đầu vào không nộp thuế thì rõ ràng Nhà nước đã thất thoát tiền hoàn thuế. Trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào phải được điều tra làm rõ", lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai nhấn mạnh.
Sẽ chuyển hồ sơ LiOA qua cơ quan điều tra
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Thuế Đồng Nai khẳng định Công ty LiOA Đồng Nai có quy mô rất lớn, nhưng theo thống kê từ năm 2019 - 2022, công ty này chỉ nộp thuế 15 tỉ đồng, trong khi đã hoàn thuế đến 521 tỉ đồng. Các doanh nghiệp đầu vào đều biến mất không nộp thuế.
"Trường hợp qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế theo quy định của pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế khi có kết quả hoặc ý kiến của cơ quan công an hoặc của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có đủ hồ sơ theo quy định", lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai khẳng định.
Đang rà soát các quy định hoàn thuế VAT
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5-8, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, đã có giải đáp liên quan đến việc hoàn thuế VAT. Với vấn đề trách nhiệm trong chuyện chậm hoàn thuế, ông Chi cho rằng cần xem xét từng trường hợp cụ thể, xác định nguyên nhân mới rõ trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế hay của người dân, tổ chức.
"Việc chậm hoàn thuế, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, cải tiến để làm sao không chậm và không ai có thể nói là chậm. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần rà soát quy định pháp luật, cách thức triển khai hoàn thuế xem có gì có thể cải tiến, thay đổi, rút ngắn quy trình, đảm bảo yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận thuế và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp " - ông Chi khẳng định.
Ông cũng cho biết ngành thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp , sàng lọc dữ liệu rủi ro, giảm đi những doanh nghiệp "kiểm trước, hoàn sau".
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT, Tổng cục Thuế cho biết đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền sửa các quy định về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Mặt khác, Tổng cục Thuế cũng rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế gồm hồ sơ, phân loại, kiểm tra hồ sơ, thời hạn giải quyết, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế VAT để đảm bảo các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế được thống nhất, chặt chẽ và hoàn thuế kịp thời; tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng về điều kiện đăng ký kinh doanh, cần có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập doanh nghiệp .
Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp, cơ quan chức năng có chế độ hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký có đúng như ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Mục đích là kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn VAT để trục lợi, gian lận tiền thuế.
Sự bất thường trong ngành gỗ
Về kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ năm 2022 đến nay, lãnh đạo Cục Thanh kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết theo số liệu tổng hợp báo cáo nhanh từ các cục thuế, cơ quan thuế đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã trả lời là 4.888 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp ngành gỗ, cơ quan thuế xác định 548 hồ sơ liên quan đến các doanh nghiệp trung gian. Kết quả là đã phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT có kê khai hóa đơn của 264 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Do vậy, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Đáng chú ý là qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ thì có đến hơn 7.600 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đây là những dấu hiệu rủi ro đối với công tác quản lý thuế.
Liên quan đến xác định nguồn gốc dăm gỗ xuất khẩu thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện và xử lý đối với một số vụ việc lợi dụng để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Điển hình như vụ án mua bán trái phép hóa đơn VAT và trốn thuế xảy ra tại Phú Thọ.
Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa. Một số doanh nghiệp trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp xuất khẩu thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn.
Từ tình hình trên, nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế VAT, tránh thất thoát quỹ hoàn thuế của Nhà nước, đối với một số trường hợp, trong quá trình xác minh, cơ quan thuế phải phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để làm rõ tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế.
Còn cơ quan thuế chỉ kiểm tra xác minh đối với hồ sơ có rủi ro cao theo đúng nguyên tắc quản lý rủi ro quy định tại Luật Quản lý thuế, xác minh với số thuế VAT mua vào của người bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu. Theo thông tin báo cáo từ cục thuế, sau khi xác minh đến hộ trồng rừng phát hiện có những hộ cá nhân không được giao đất rừng, không bán gỗ cho doanh nghiệp thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận