Việc này gợi nhớ cách đây mấy năm, khi bàn đến xã hội hóa giáo dục thì cũng đã có tranh luận với nhau rằng giáo dục là dịch vụ hay là phúc lợi. Hai nhóm ý kiến trái ngược nhau, và rốt cuộc là Luật giáo dục (mới) ra đời với những hệ lụy hết sức lớn lao đối với bộ phận trường học ngoài công lập hiện nay.
Đó là: với nhà đầu tư thì người ta tính đến chuyện thu hồi vốn và gia tăng lợi nhuận; với nhà giáo thì hoạt động giảng dạy mới là trên hết. Hai mục tiêu này ở nhiều đơn vị lại trở nên xung đột nhau, nhất là nhóm trường dân lập đang chuyển sang tư thục.
Hậu quả là có trường sinh viên học hết năm cuối mà mãi hai năm sau mới được tổ chức thi tốt nghiệp, trong khi lãnh đạo nhà trường gồm thầy cô và hội đồng quản trị thì xâu xé, kiện tụng nhau.
Hậu quả là có trường ông chủ tịch hội đồng quản trị thay hiệu trưởng như thay áo. Thay riết rồi chính ông này, mặc dù không đáp ứng tiêu chuẩn nhưng cũng kiêm hiệu trưởng, kiêm hiệu phó, kiêm luôn chủ tịch hội đồng khoa học.
Lại có trường hợp nhà giáo tâm huyết với nghề nên lập trường tư thục. Trường hoạt động theo Luật doanh nghiệp nên khi bắt đầu hoạt động có hiệu quả thì một nhóm cổ đông âm thầm thu gom cổ phần. Khi đạt đến mức kiểm soát được toàn cục thì họ gạt người sáng lập ra. Dựa vào chiêu bài “phi lợi nhuận”, hội đồng quản trị không tiến hành chia cổ tức. Và thế là người sáng lập với bao tâm huyết trở nên mất trắng.
Trong những lĩnh vực xã hội hóa liên quan đến lĩnh vực có tính chất phúc lợi xã hội hay dịch vụ vốn xưa nay thuần túy là dịch vụ công, có vẻ như các nhà làm luật của chúng ta luôn lấn cấn giữa một bên là đạo đức xã hội với một bên là sự sòng phẳng trong đầu tư. Và như thế, một bộ luật dung hòa hai quan điểm này sẽ trở thành một sản phẩm lai căng, mà hậu quả là người ta sẽ núp vào yếu tố đạo đức để trục lợi. Và điều này sẽ làm cả xã hội đều thiệt. Thiệt vì sau đó là cơ quan quản lý lại vất vả chạy theo sự vụ và thiệt vì mất niềm tin lẫn nhau...
Chuyện văn phòng công chứng tư sẽ hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay không, nếu các nhà làm luật không xác định được lập trường một cách dứt khoát, e rằng rồi cũng lại sẽ có thêm một bộ luật thể hiện quan điểm “nước đôi” như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận