Phóng to |
Lao động kỹ thuật lành nghề ở Công ty Nidec Copal (Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM) - Ảnh: MAI VINH |
Gần 500 đại biểu là chuyên gia ở các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực đã tham gia hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cao - nhu cầu cấp bách” vừa diễn ra dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM.
Tại đây, các đại biểu đã phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực VN trong thời hội nhập và cạnh tranh.
Vị trí áp chót
Coi chừng mất cơ hội tham gia thị trường quốc tế Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trọng cho rằng với trình độ và khả năng thích ứng, hội nhập của lực lượng lao động còn nhiều hạn chế, VN chỉ dừng lại ở hình thức xuất khẩu lao động phổ thông trực tiếp mà không thể xuất khẩu lao động gián tiếp (làm việc cho công ty nước ngoài trong môi trường Internet của một thế giới phẳng). Từ đó, chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội tham gia vào phân công lao động quốc tế. |
Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho biết lượng lao động không có chuyên môn kỹ thuật tại VN hiện chiếm tỉ lệ trên 60%. Trong lĩnh vực công nghiệp, công nhân qua đào tạo chuyên nghiệp ước tính chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu trong nước.
“Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của VN ở mức 3,79 điểm trong thang điểm 10, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Không có trường dạy nghề nào tại VN đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực”, ông Thiên nói. Những lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao như kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo... đang thiếu lao động trầm trọng, theo ông Thiên.
Dưới góc nhìn của người sử dụng lao động, ông Lê Chí Hiếu, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng “nhân lực qua đào tạo các bậc hằng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội”. Ông dẫn ra số liệu để chứng minh: năm 2010 trong tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc thì chỉ có 20,1 triệu người đã qua đào tạo, trong đó chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp.
Lỗ hổng này khiến nhiều doanh nghiệp phải thuê lao động từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. “Doanh nghiệp thường “săn đầu người” cho các vị trí quan trọng, nhất là ở đối tượng du học sinh hoặc nhân sự nước ngoài chứ ít tìm kiếm thị trường nội địa” - ông Trịnh Minh Giang, giám đốc Hệ thống giáo dục Hà Nội VIP, cho hay.
Ông Nguyễn Văn Xê, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội TP.HCM, cho biết chi phí tiền lương cho một lao động nước ngoài gấp 10 lần một lao động VN cùng làm một công việc, nhưng các doanh nghiệp phải cắn răng thuê vì nguồn lao động chất lượng cao của chúng ta không đáp ứng được.
Chưa sát nhu cầu
Theo ông Nguyễn Văn Xê, công tác đào tạo hiện nay chưa bám sát yêu cầu của thị trường lao động. Do đó người học thường không sử dụng những kiến thức đã được học vào công việc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại chưa có biện pháp hỗ trợ đào tạo chuyên môn khi nhận người lao động vào làm việc.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trọng (ĐH Kinh tế - luật) phân tích việc thiếu hụt nhân lực có trình độ cao và lành nghề sẽ gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. “Rõ ràng chúng ta đang cạnh tranh với thế giới bằng nguồn lao động giá rẻ. Điều này thách thức về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nếu không phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng. Và nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng thì chúng ta không thể bước vào giai đoạn nội lực hóa kỹ năng và công nghệ, để bước lên những bậc thang cao hơn nhằm đạt mức thu nhập cao”, ông Trọng nói.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhận định việc phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật là thách thức lớn của VN trong thời gian tới. “Chúng ta triển khai làm nhiều dự án lớn nhưng không tính toán đến nguồn nhân lực, dẫn đến cơ cấu ngành nghề đào tạo bất hợp lý, không sát với nhu cầu xã hội”, ông Vinh nhận định. Từ đó ông cho rằng: trong việc giải quyết vấn đề phát triển kinh tế xã hội phải kèm theo dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực rõ ràng, cùng với đó là kế hoạch đào tạo cụ thể.
Đã có chiến lược đào tạo nhưng còn nghi ngại chất lượng Chiến lược phát triển nhân lực VN thời kỳ 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cụ thể các ngành nghề cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, chỉ tiêu cho quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế đến năm 2015 là 18.000 người (20.000 người vào năm 2020). Các ngành nghề khác như giảng viên đại học, cao đẳng là 100.000 người (2015) và 160.000 người (2020); khoa học công nghệ (60.000 năm 2015, 100.000 năm 2020); y tế, chăm sóc sức khỏe (70.000 năm 2015, 80.000 năm 2020); tài chính ngân hàng (100.000 năm 2015, 120.000 năm 2020); công nghệ thông tin (350.000 năm 2015, 550.000 năm 2020). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo đang rất lo ngại về việc đảm bảo chất lượng cho những con số trên. TS Ngô Gia Lưu (ĐH Ngân hàng TP.HCM) dẫn chứng: “Vừa qua Tập đoàn Intel tại VN tuyển 1.000 kỹ sư chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, nhưng kiểm tra gần 2.000 sinh viên năm cuối thì chỉ có 320 người đạt trung bình, 90 người đạt yêu cầu tuyển dụng song cũng phải gửi sang Malaysia đào tạo thêm từ một đến một năm rưỡi mới có thể đảm nhiệm được công việc” và ông cho rằng điều đó đáng lo ngại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận