Thí sinh dự thi môn ngoại ngữ kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Đáng chú ý, vụ ở Sơn La chưa thể khép lại vì gian lận xảy ra trên chính bài thi của thí sinh nên không còn căn cứ để đối chiếu, điều chỉnh.
Không thể xem là sai phạm cá nhân
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, khi vụ việc tiêu cực của giáo dục đã khởi tố thành vụ án hình sự, xác định thêm người có trách nhiệm liên quan không thể xem chỉ là sai phạm của riêng cá nhân nào nữa.
"Tôi không chấp nhận kiểu tư duy tránh né, không dám chấp nhận sự thật, cho rằng cá biệt hoặc chỉ là sự cố để co cụm mức độ hậu quả và hạn chế tối đa trách nhiệm của những người liên quan, người đứng đầu.
Đó chính là hành động thỏa hiệp với sự dối trá, là sự tha hóa nguy hiểm cho xã hội, cho tương lai của đất nước.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền
Hành động đó không chỉ nhẫn tâm với các em học sinh bị cướp đi cơ hội, mà còn biến tương lai trở thành nạn nhân của quá khứ, tuyệt đối không nên có trong tư duy của đội ngũ làm công tác giáo dục.
Tôi nhận thức rằng chấn hưng nền giáo dục mà người làm công tác giáo dục không dám nhìn thẳng vào sự thật thì tương lai sẽ đào tạo ra thế hệ hèn nhát và chỉ biết cúi đầu.
Đối với những người có trách nhiệm, trước hết ở địa phương xảy ra sai phạm, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra xác minh, chưa có kết luận cuối cùng. Vì vậy, chưa thể xác định các lãnh đạo tỉnh có tham gia can thiệp hay trực tiếp gây ra lỗi hay không.
Nhưng tôi nghĩ rằng với những người đứng đầu ngành giáo dục, trưởng ban chỉ đạo kỳ thi, với tư cách đứng mũi chịu sào không thể tách mình đứng ngoài cuộc đối với những sai phạm xảy ra.
Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm liên quan, những người hằng ngày hằng giờ luôn nêu cao việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lẽ nào lại quên rằng giáo dục lấy con người làm gốc và đạo đức làm trọng, lại dễ dàng bỏ qua và vô tâm trước sự hụt hẫng, thất vọng của các em học sinh đã học hành nghiêm túc? Quên đi sự tôn nghiêm mà khi người lớn làm điều gì sai với con trẻ, chỉ đơn giản là biết nói lời xin lỗi?", bà nhấn mạnh.
Từ chức để cứu vãn danh dự
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thủy - ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết: từ hôm phát hiện vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đến nay, bản thân tôi vô cùng bức xúc, bất bình, đồng thời nhận được nhiều ý kiến của các bậc lão thành, của cử tri đề nghị phải làm rõ vụ việc và nghiêm trị sai phạm.
Sau Hà Giang, giờ thêm Sơn La cùng với nghi vấn ở nhiều nơi khác, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ điểm thi trên toàn quốc để làm rõ trắng đen, sai ở đâu xử lý nghiêm ở đó, không để nhân dân hoài nghi.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thủy
Những vụ việc này để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, tai hại, không chỉ liên quan đến những cá nhân gây ra sai phạm mà còn để lại hậu quả cho toàn xã hội, cho thế hệ mai sau.
Đó là sự bức xúc, bất bình xã hội, là niềm tin bị cạn kiệt, là tương lai mà nếu những sai phạm này trót lọt thì con cái của những người có chức có quyền tuy học lực yếu kém nhưng vẫn nghiễm nhiên vào đại học ở những trường tốp trên và sau đó lại trở về làm cán bộ, còn các cháu học khá nhưng con nhà nghèo và không có quan hệ có thể bị loại ra khỏi giảng đường hoặc bị đẩy xuống các trường tốp dưới, nó để lại những hệ lụy đau đớn và dai dẳng mà chúng ta chưa lường hết được...
Vụ việc nghiêm trọng là vậy, nhưng từ hôm đó đến nay tôi chưa nghe được ý kiến thuyết phục từ những người có trách nhiệm trực tiếp với ngành giáo dục và những người có trách nhiệm trực tiếp ở địa phương xảy ra sai phạm.
Vài cuộc trả lời phỏng vấn mà sau đó như là việc đổ thêm dầu vào lửa, khiến công chúng có cảm giác về sự vô cảm, né tránh, giống như trả lời của những người ngoài cuộc vậy.
Nếu ở nước ngoài, khi những vụ việc dạng này xảy ra thì đã ít nhất vài người phải từ chức, trước hết là các quan chức sở tại. Từ chức là nhận lấy trách nhiệm chính trị, là giữ gìn liêm sỉ và cứu vãn danh dự trước khi các cơ quan hữu quan truy ra trách nhiệm hành chính và các trách nhiệm khác.
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa kết thúc cách đây chưa lâu, chúng ta thấy bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn rất tự tin, rất lạc quan về đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử. Đến nay xảy ra chuyện này, không rõ bộ trưởng sẽ suy nghĩ thế nào về những gì đã nói hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận