TP.HCM sẽ kiểm tra xe thí điểm 50TĐ, kiến nghị ngưng sản xuất loại xe này nếu không đảm bảo chất lượng - Ảnh: CHÂU TUẤN
TP.HCM đang có kế hoạch tiếp tục quản lý chặt và hạn chế những chiếc xe này.
Xe "lụi"
Từ năm 2008, TP.HCM đã thực hiện cấm xe ba, bốn bánh tự chế. Đến nay TP đã thu hồi, tiêu hủy khoảng 28.100 chiếc xe ba, bốn bánh tự chế. Quá trình triển khai, TP cũng đã chi gần 158 tỉ đồng để hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi phương tiện cho người dân mưu sinh bằng loại xe này. Từ nguồn hỗ trợ, nhiều người đã bỏ xe tự chế, mua xe chở hàng bốn bánh gắn động cơ, hay còn gọi là xe thí điểm 50TĐ.
Thế nhưng, theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khoảng 30.000 xe ba, bốn bánh tự chế hoạt động tập trung ở các quận huyện ngoại thành.
Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cũng cho thấy đa số các loại xe này có máy móc, phụ tùng xuất xứ từ Trung Quốc. Những loại xe này được các cơ sở lắp ráp, bán với giá khá rẻ nên đa số người nghèo, người thu nhập thấp mua dùng mà không có giấy tờ đăng ký.
Không chỉ 30.000 xe thô sơ tự chế đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ở TP.HCM phần lớn các xe thí điểm 50TĐ hiện cũng đang chạy "lụi".
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM), đơn vị này đang quản lý 2.990 xe thí điểm bốn bánh 50TĐ được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Tuy nhiên trong số ấy chỉ có... 1 xe còn hạn kiểm định.
Đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng chỉ ra rằng xe thí điểm 50TĐ dùng thay thế cho xe ba bánh nên thường thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong đường nhỏ. Nhưng xe này có thiết kế đơn giản, phần lớn các chủ xe thường tự cơi nới thùng hàng hoặc thay thế các bộ phận mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Theo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP.HCM, xe thí điểm 50TĐ khi vào kiểm định phần lớn không đạt tiêu chuẩn do mắc lỗi thay đổi thiết kế về thùng xe, đầu xe... "Vì biết xe thay đổi thiết kế có đi kiểm định cũng rớt nên nhiều người cứ cho xe chạy lụi" - lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại TP cho hay.
Đến nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khoảng 30.000 xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế đang hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi nghề
Đi dọc đường Trường Chinh, Thăng Long, Nguyễn Thái Bình... (Q.Tân Bình) dễ dàng bắt gặp những chiếc xe bốn bánh 50TĐ đậu chờ chở hàng. Anh S., ngụ quận Tân Bình, cho hay trước đó có mua lại chiếc xe bốn bánh thí điểm 50TĐ với giá khoảng 75 triệu đồng về chở hàng. "Khi đưa xe đi đăng kiểm thì xe thay đổi kết cấu ban đầu tùm lum nên tôi đành chạy lụi, mong gỡ gạc lại vốn" - anh S. nói.
Còn anh C.T.V. (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết vài năm trước anh có mua chiếc xe thí điểm về chở hàng mưu sinh. Loại xe này chất lượng không tốt nên chở được vài chuyến thùng xe có biểu hiện móp méo.
Thấy vậy, anh V. đưa xe đi đại tu, thay đổi kết cấu, nâng thùng để chở nhiều hàng hơn. Lúc đưa đi đăng kiểm thì bị "đánh rớt" vì xe thay đổi kết cấu. "Hằng ngày tôi phải canh lực lượng chức năng hoặc luồn vào các con hẻm để chạy, tránh khỏi bị phạt. Vừa rồi tôi đành bán xe để tìm kiếm một công việc khác" - anh V. nói.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, mới đây ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP - đã ký văn bản yêu cầu các sở ngành đánh giá chất lượng thực tế và tình hình quản lý sử dụng loại xe thí điểm 50TĐ. Từ đó cơ quan chức năng sẽ xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền hạn chế hoặc ngừng sản xuất loại xe này.
Cũng theo chỉ đạo của ông Hoan, trường hợp vẫn sản xuất loại xe này phải nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng tương đương với ôtô chở hàng các loại.
Trước mắt, TP.HCM sẽ đề xuất Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe 50TĐ. Đối với các loại xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế, ông Hoan đề nghị các sở ngành, quận huyện nghiên cứu thực hiện đề án chuyển đổi phương tiện, cấm lưu thông đối với các xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế...
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP - cho hay việc tiếp tục hạn chế các loại xe này nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị TP.HCM là cần thiết.
"Nhiều chiếc xe thí điểm 50TĐ hiện đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông. Còn xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế thì có đăng kiểm được đâu" - ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, những năm qua TP.HCM đã hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người dân mưu sinh bằng loại xe thô sơ. Tuy nhiên, gần đây nhiều người lại tiếp tục đóng mới, chuyên chở hàng bằng loại xe ba, bốn bánh tự chế. Nhiều cử tri TP.HCM cũng đã phản ảnh hiện có rất nhiều xe ba, bốn bánh tự chế chở quá tải, lấn chiếm lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
"Theo chỉ đạo của UBND TP, thời gian tới Ban An toàn giao thông TP sẽ tiến hành rà soát các loại xe ba, bốn bánh tự chế và cấm lưu thông vào khu vực trung tâm TP" - ông Phúc nói.
Lãnh đạo UBND TP cũng đã yêu cầu các quận huyện tổ chức thống kê thông tin liên quan đến người đang sử dụng xe ba, bốn bánh tự chế, xe bốn bánh 50TĐ trên địa bàn. Nhất là những thông tin về điều kiện kinh tế của người dân đang mưu sinh bằng phương tiện này, nhằm đề xuất hỗ trợ bà con chuyển đổi việc làm.
Anh N.V.H. (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình):
Xử nghiêm cơ sở "chế" xe ba, bốn bánh
Muốn hạn chế được xe ba, bốn bánh tự chế, cơ quan chức năng cần phải xử lý từ gốc đến ngọn thay vì chỉ phạt người điều khiển phương tiện. Cụ thể cần phải xử phạt nghiêm những cơ sở đóng, lắp ráp xe tự chế trái quy định trên địa bàn TP. Các cơ sở đóng xe quảng cáo chỉ cần 30-40 triệu đồng là có ngay xe ba gác tự chế. Vì giá quá rẻ nên nhiều người bất chấp mua về chạy.
Ông Nguyễn Võ Hạnh Phúc (chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP):
Đó là công việc của quận huyện
Theo chỉ đạo của UBND TP, các quận huyện phải tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở sửa chữa, đóng mới các loại xe ba, bốn bánh trái quy định. Lãnh đạo TP cũng đã yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử phạt các loại xe này vi phạm khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận