Họa sĩ Hoàng Anh tâm niệm anh chỉ là người đứng sau "hào quang" của những cô búp bê
"Ngỡ ngàng" là từ chính xác nhất để miêu tả căn nhà rộng 80m2 của họa sĩ Hoàng Anh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - nơi ngập tràn tranh vẽ, vải thổ cẩm và… búp bê trong trang phục của đồng bào dân tộc.
Ở đó có nhiều bức vẽ khổ lớn treo trên tường, những bức vẽ còn loang lổ, những mảng màu và hàng trăm cô búp bê với đủ trang phục dân tộc được xếp kín trên các kệ gỗ khắp căn nhà.
"Nhà nhỏ, nên vừa là xưởng vẽ, vừa là kho chứa vải vừa là nhà…", họa sĩ Hoàng Anh giải thích.
Mân mê một cô búp bê trên tay, tựa lưng vào chiếc ghế tròn yêu thích, họa sĩ Hoàng Anh chia sẻ: "Những họa phẩm có kích thước lớn sẽ khó tìm nhà sưu tập hơn những tác phẩm nhỏ. Nhưng họa phẩm nhỏ nhiều người làm rồi, nên mình phải tìm một hướng đi riêng… 26 tháng từ xây dựng ý tưởng đến đi thực tế, chắt lọc chi tiết để những cô búp bê đầu tiên thành hình".
10 năm trước, trong một lần đi lên vùng núi phía Bắc, anh Hoàng Anh bị choáng ngợp trước trang phục của các cô gái dân tộc, từ màu sắc, kiểu cách đến trang sức họ đang đeo.
"Ngoài ra, khi nhìn ngắm những cô búp bê Nhật Bản, Hàn Quốc, mình đau đáu tại sao không thử đưa trang phục Việt Nam vào những cô búp bê để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến văn hóa Việt.
", anh Hoàng Anh tâm sự.
Khi ấy, mình quyết định thu nhỏ lại theo góc nhìn của bản thân để trang phục dân tộc tới nhiều người hơn. Qua quá trình chắt lọc, cắt ghép, chi tiết hóa, mỗi cô búp bê sẽ khoác lên mình một tấm áo mớiTâm niệm sản phẩm ngày mai phải đẹp hơn, họa sĩ Hoàng Anh đang nghiên cứu để cho ra mắt búp bê nam với trang phục dân tộc. Ví dụ như bộ cô dâu chú rể người Kinh mặc áo dài truyền thống.
Tuy vậy, dịch bệnh khiến quá trình thực địa, nghiên cứu văn hóa dân tộc… của anh chưa thể thực hiện được.
"Khách nước ngoài thường tìm hiểu hoa văn, chi tiết đặc trưng, chất liệu thổ cẩm… trên phục trang của búp bê mà họ định mua. Do đó, người nghệ sĩ phải nắm được cái hồn, cái cốt, cái cơ bản nhất của dân tộc mà búp bê đang mặc.
Búp bê không đơn thuần là quà tặng mà còn là cầu nối văn hóa, phục trang đồng bào đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Khi các cô búp bê khoác lên mình các bộ phục trang đồng bào dân tộc ở những kệ trưng bày ở các nhà ga bay quốc tế và một số shop lưu niệm trên phố cổ Hà Nội, mình cảm nhận được niềm hạnh phúc. Mình tin những món quà nhỏ sẽ theo chân du khách đi khắp năm châu", anh Hoàng Anh quả quyết.
Theo anh Hoàng Anh, nghệ thuật là sáng tạo nên đôi khi anh sẽ biến tấu một chút hoa văn, và trang trí thêm chiếc túi thổ cẩm cho búp bê, nhưng vải may trang phục nhất thiết phải từ chính đồng bào thêu dệt. Vì theo anh, hoa văn thêu tay của bà con luôn mang hơi thở, tâm hồn con người vùng đó
Đối tượng khách hàng mà búp bê của anh Hoàng Anh hướng tới là người lớn mua về sưu tầm hoặc làm đồ trang trí, trưng bày thay vì đồ chơi cho trẻ em
Búp bê có 2 kích thước 25cm và 35cm. Mẫu 35cm có nhiều "đất" để phơi bày họa tiết mà họa sĩ gửi gắm, được niêm yết từ 3,5 - 4 triệu đồng.
Qua nhiều năm theo đuổi con đường đã chọn, họa sĩ Hoàng Anh đã thực hiện được 60 bộ trang phục của 45 dân tộc. Một số dân tộc có nhiều bộ khác nhau như người Mông có trang phục Mông trắng, Mông hoa…
Là người cầu toàn, từng đường nét khuôn mặt, họa tiết trên trang phục anh làm được tìm hiểu kỹ qua tư liệu ở thư viện, bảo tàng dân tộc học và thực tế
"Mình cũng để ý nhu cầu khách. Người Mỹ thích màu mạnh như tím, đỏ, người Nhật thích màu xanh, trắng trong khi người Pháp quan tâm đến chi tiết, hoa văn tinh xảo trên trang phục" - anh Hoàng Anh tâm sự.
Tự nhận mình là họa sĩ đơn độc, anh Hoàng Anh cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước rất quan trọng thay vì dựa dẫm vào ai đó. Khi ấy, việc tự mày mò, tự làm mới mình và ghi nhận ý kiến phản hồi rất quan trọng. Chẳng hạn, khuôn mặt của búp bê không phải hình trái xoan mà phải bầu bĩnh
Anh Hoàng Anh chia sẻ, anh trích một phần lợi nhuận từ việc bán búp bê để cùng tổ chức Plan International Việt Nam hỗ trợ trẻ em vùng cao chính tại những nơi anh nhận nguyên liệu chế tác từ bà con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận