09/10/2012 08:47 GMT+7

Cần phát hành chứng chỉ vàng

NGUYỄN TUẤN QUỲNH
NGUYỄN TUẤN QUỲNH

TT - Những ngày qua, khi giá vàng tăng cao và khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng cùng sự “độc quyền” của miếng vàng SJC đã kéo sự chú ý của dư luận vào vàng.

Có nhiều số liệu khác nhau về số lượng vàng mà người dân đang nắm giữ nhưng nhìn chung đều ở mức 400-500 tấn, giá trị tương đương trên 20 tỉ USD. Bài toán đặt ra là làm thế nào huy động được lượng vốn vàng này trong dân?

Theo tôi, cách huy động vốn vàng trong dân hiệu quả nhất là tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng những chính sách khuyến khích người dân bỏ vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư vào cổ phiếu hoặc gửi vàng vào ngân hàng. Thực tế chứng minh người dân vẫn là nhà đầu tư thông minh và sáng suốt nhất trong các quyết định đầu tư của mình. Trong điều kiện thuận lợi, không cần sự kêu gọi hoặc các biện pháp hành chính của Nhà nước, người dân vẫn sẽ sẵn sàng bán vàng ra để đầu tư.

Ở nhiều nước, người dân không thể mua vàng vật chất mà chỉ mua được chứng chỉ vàng. VN có thể áp dụng cách làm này. Chứng chỉ vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước phát hành, có các loại mệnh giá như 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng, 2 lượng, 10 lượng...

Theo tôi, chúng ta sẽ phát hành hai loại chứng chỉ vàng. Chứng chỉ vàng được bảo chứng bằng vàng là khi người dân mang vàng vật chất tới ngân hàng và đổi lấy chứng chỉ vàng. Sau này người dân muốn bán ra lấy tiền đồng hay nhận lại lượng vàng vật chất tương ứng đều được. Loại thứ hai là chứng chỉ vàng không được bảo chứng bằng vàng, người dân sẽ đến ngân hàng và dùng tiền đồng mua chứng chỉ vàng theo giá thị trường. Sau này người dân chỉ có thể bán chứng chỉ vàng này để nhận lại tiền đồng.

Song song với việc phát hành chứng chỉ vàng là việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra tổ chức sàn vàng này như mô hình của sở giao dịch chứng khoán hiện nay và các ngân hàng thương mại, công ty vàng hội đủ điều kiện sẽ là thành viên. Hàng hóa giao dịch trên sàn vàng là các chứng chỉ vàng.

Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng... Về vĩ mô, nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được ngoại tệ do không cần phải nhập khẩu hàng trăm tấn vàng vật chất mỗi năm.

Để triển khai thành công chủ trương này, Chính phủ cần phải làm tốt nhiều biện pháp như tạo điều kiện để chứng chỉ vàng mua bán, giao dịch dễ dàng tại các ngân hàng thương mại; chứng chỉ vàng khi gửi ngân hàng sẽ có lãi, còn vàng vật chất không được gửi ngân hàng hoặc được gửi với lãi suất âm, chứng chỉ vàng sẽ được sản xuất và chống giả nghiêm ngặt như tiền giấy... Cuối cùng là công tác tuyên truyền, quảng bá về chứng chỉ vàng và những tiện ích để khuyến khích người dân chuyển từ vàng vật chất sang chứng chỉ vàng.

LTS: Chuyên mục “Chuyên gia & chính sách” là chuyên mục mới sẽ xuất hiện đều đặn hằng tuần trên trang Kinh tế. Nội dung sẽ phân tích các vấn đề thời sự kinh tế dưới góc nhìn thực tế của các chuyên gia, doanh nhân... Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin mời gửi về địa chỉ: [email protected]

NGUYỄN TUẤN QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên