Ông Lê Kế Lâm phát biểu tại hội thảo - Ảnh: ÁI NHÂN |
Hội thảo do Khoa Luật quốc tế Đại học luật TP.HCM tổ chức ngày 19-6. Ông Lâm hiện là chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM.
Ngư dân thì phải đánh bắt cá
Ông Lâm cho rằng ngư dân thì phải đi đánh bắt cá, và nghề cá là nghề có từ lâu đời ở Việt Nam, hằng năm số lượng tàu cá vẫn tăng lên cũng như sản lượng đánh bắt năm sau nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngư dân Việt Nam bị các quốc gia có biển bắt, phá hủy, ngư dân bị giam đã xảy ra đối với nhiều quốc gia trong những năm gần đây.
Nhắc lại việc ngư dân Việt Nam được Indonesia thả tự do sau một thời gian giam giữ hay những cảnh sát biển Thái Lan bắn trực tiếp vào ngư dân Việt Nam…, ông Lâm nói rằng: “Cần phải tuyên truyền và bổ sung kiến thức pháp luật cho các ngư dân, trong đó có cả pháp luật Việt Nam và quốc tế để họ biết được quyền đánh bắt của mình được đến đâu và không vi phạm pháp luật của các quốc gia khác”.
Ông Trần Thanh Thảo phát biểu tại hội thảo - Ảnh: ÁI NHÂN |
Cần quy định thêm tội “cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền”
Tham gia hội thảo, thạc sĩ Trần Thanh Thảo, khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nhiều quốc gia khác đã quy định cướp biển là một tội. Và thực tế ở Việt Nam đã có những nạn nhân của loại tội phạm này, tuy nhiên Bộ luật hình sự Việt Nam từ năm 1982 đến Bộ luật hình sự 1999 chưa hề quy định tội danh này trong bộ luật.
“Nhưng đến Bộ luật hình sự 2015 thì có quy định tội cướp biển trong điều 302”, nhưng theo thạc sĩ Thảo thì mức hình phạt của tội này là quá nhẹ (khoản 4 quy định đến mức án chung thân) trong khi hành vi cướp biển nguy hiểm hơn hành vi cướp tài sản thông thường, vậy mà chết 1 người chỉ phải chịu hình phạt đến 15 năm tù - ông Thảo nói.
Do đó, ông Thảo đề xuất cần phải thay đổi khung hình phạt của tội danh này trong Bộ luật hình sự của Việt Nam.
Đồng thời, ông Thảo đề nghị bổ sung tội “cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền” vào Bộ luật hình sự của Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử phạt hành vi phạm tội này trên thực tế.
Theo ông Thảo, những trường hợp tàu biển mang quốc tịch Việt Nam bị tấn công đều diễn ra tại vùng biển thuộc thẩm quyền tài phán của các quốc gia ven biển, vậy nên nếu áp dụng quy định của tội cướp biển hiện hành thì không xử lý được tội này.
Ngoài những nội dung trên, hội thảo cũng đưa ra cái nhìn tổng quát về việc khai thác, sử dụng biển và đại dương bền vững nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc tế, bảo vệ môi trường là nguyện vọng và quyết tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận