12/02/2025 15:12 GMT+7

Cần nhân rộng việc ‘treo thưởng’ cho người cung cấp thông tin để bắt người xuyệt điện tôm cá

Nhiều bạn đọc đề nghị nhân rộng cách làm của một huyện ở Cà Mau 'treo thưởng' 3 triệu đồng cho người tố giác, cung cấp thông tin để bắt người xuyệt điện, khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.

Bạn đọc hiến kế cho Cà Mau về việc ‘treo thưởng’ 3 triệu cho ai cung cấp thông tin để bắt xuyệt điện - Ảnh 1.

Không chỉ có huyện Trần Văn Thời, tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình người dân còn được đổi xuyệt điện lấy gạo và ký cam kết “giải nghệ” - Ảnh: THANH HUYỀN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây UBND huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn khen thưởng 3 triệu đồng cho người phát hiện, cung cấp thông tin hữu ích cho lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng tàng trữ, sử dụng xung điện, hóa chất và các hành vi khác để khai thác thủy sản tận diệt.

Theo UBND huyện Trần Văn Thời, dù chưa có người đến trình báo, tố cáo nhưng người dân đã tự nguyện giao nộp gần 500 bộ dụng cụ xuyệt điện để khai thác thủy sản tận diệt. 

Thực trạng sử dụng xuyệt điện đánh bắt tôm cá trên địa bàn giảm rất mạnh so với trước đây.

Làm mạnh để tái sinh nguồn tôm cá tự nhiên 

Nhiều bạn đọc rất đồng tình với cách làm này và đã có nhiều hiến kế hay để chấm dứt tình trạng xuyệt điện đang hoành hành trên khắp cả nước.

Tài khoản Kelvin cho rằng tất cả các địa phương nên nhân rộng mô hình này. Tại TP.HCM, ngay tại trung tâm như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Đôi, một số nơi ở Bình Chánh..., rất nhiều người đánh bắt cá bằng hình thức trên.

"Hoan hô Cà Mau đã mạnh tay để nguồn thủy hải sản được tái sinh" và ủng hộ cách thưởng này, bạn đọc Dân và Đào Sơn La cho rằng phải làm mạnh để bảo tồn thiên nhiên.

"Nước ta sông hồ vốn nhiều thủy sản nhưng hiện nay đã gần như bị tận diệt vì nạn xuyệt điện. Hy vọng mô hình trên được nhân rộng để thủy sản được phát triển tự nhiên", bạn đọc Nguyễn Văn Nam bày tỏ.

"Phải bắt nơi sản xuất xuyệt điện mới triệt tận gốc vấn nạn này. Lên mạng xã hội thấy vô số clip quảng cáo máy xuyệt điện bắt cá", bạn đọc Trin, Tran, Pham… hiến kế.

Trong khi đó, theo bạn đọc Cát Nguyễn PC, Thao "chỉ cần về xóm thôn hỏi ai đi kích điện đánh bắt thủy hải sản là ai cũng biết. Từ đó bắt cam kết, tái phạm phạt tiền, thậm chí xử lý hình sự".

Xuyệt điện, quay clip chia sẻ trên mạng, bán vật dụng xuyệt điện bị xử phạt ra sao?

Theo luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM), một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản là hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản (theo quy định tại khoản 1, điều 7 Luật Thủy sản 18/2017/QH14 ngày 21-11-2017).

Do đó, hành vi sử dụng công cụ kích điện để xuyệt cá là hành vi bị nghiêm cấm và vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản. 

Tùy theo mức độ, hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sử dụng công cụ kích điện để xuyệt cá sẽ bị xử phạt hành chính là phạt tiền, với mức phạt có thể lên đến 5 triệu đồng đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền có thể lên đến 40 triệu đồng nếu sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá.

Mức phạt tiền có thể lên đến 50 triệu đồng nếu sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng.

Ngoài ra, hành vi vi phạm còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ. Tùy theo mức độ hành vi còn bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 3-6 tháng (điều 28 nghị định 38/2024/NĐ-CP).

Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 15 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi vi phạm còn bị tịch thu công cụ kích điện (khoản 2, điều 28 nghị định 38/2024/NĐ-CP).

Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mức hình phạt tù có thể lên đến 10 năm tù trong trường hợp gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1,5 tỉ đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500 triệu đồng trở lên; làm chết hai người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

Pháp nhân thương mại phạm tội thì mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm (điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 62, điều 1 Luật 12/2017/QH14).

Bạn đọc hiến kế cho Cà Mau về việc ‘treo thưởng’ 3 triệu cho ai cung cấp thông tin để bắt xuyệt điện - Ảnh 2.Huyện 'treo thưởng' 3 triệu đồng cho ai cung cấp thông tin để bắt người xuyệt điện tôm cá

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã 'treo thưởng' cho những ai tố giác, cung cấp thông tin hữu ích cho ngành chức năng bắt giữ người sử dụng xuyệt điện khai thác thủy sản tận diệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên