24/04/2016 10:58 GMT+7

Cần nhân rộng mô hình trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng là trung tâm nghệ thuật đầu tiên của VN thành lập theo hình thức xã hội hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người xem tác phẩm trong triển lãm Chiến tranh trong nghệ thuật Lê Bá Ðảng tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng năm 2015. -Ảnh tư liệu.

Diễn ra nhân 10 năm thành lập Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, một trung tâm nghệ thuật đầu tiên của VN thành lập theo hình thức xã hội hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước, buổi tọa đàm “Phát huy giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng” hôm 21-4, cả người yêu nghệ thuật và các nhà quản lý của Huế như nức lòng trước nhiều khen ngợi từ các vị quan khách.

Mười năm trước, 2006, tỉnh Thừa Thiên - Huế mạnh dạn giao khu nhà đẹp ở vị trí rất đẹp ven sông Hương, khi ấy là trụ sở Sở Tài chính, cho họa sĩ Lê Bá Đảng thành lập trung tâm nghệ thuật. Từ trước đó nữa, vào năm 1994, Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị khai trương sau khi tỉnh này giao cho điêu khắc gia lừng danh tòa biệt thự cổ giữa một khu vườn rộng ở một vị trí “không thể đẹp hơn” của Huế.

Cho đến hiện nay, hai ngôi nhà nói trên thật sự trở thành những địa chỉ văn hóa quan trọng của Huế, nơi thu hút không chỉ giới yêu nghệ thuật mà còn khách tham quan du lịch. Riêng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, trong năm 2015 đã có hơn 11.000 khách mua vé vào xem.

Đối với nhiều người Huế, việc thành lập hai địa điểm nghệ thuật này là rất hay, cần thiết nhưng chưa đủ. Những ai yêu nghệ thuật đều thấy đau lòng khi nhìn thấy gia sản hội họa của cố họa sĩ Tôn Thất Đào - họa sĩ thế hệ Đông Dương, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật Huế, đang xuống cấp từng ngày. Và còn rất nhiều bộ sưu tập hay những tác giả xứng đáng khác nữa cần có những không gian tương tự để gìn giữ, bảo quản và phát huy...

Ngay cả đối với Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, hàng loạt tác phẩm đang bị “nhốt” trong kho, thiếu thiết bị bảo quản, một số đang xuống cấp hay bị phân hủy hoàn toàn.

Thậm chí đối với Trung tâm Lê Bá Đảng, nhiều người vẫn cho rằng cần phải hoàn thiện và đổi mới phương thức hoạt động hơn nữa để hấp dẫn thêm du khách, chứ mỗi năm chỉ thu hút hơn 1,1 vạn người xem ra chẳng bõ bèn gì...

 Họa sĩ Lê Bá Đảng từ trần ngày 7-3-2015 ở tuổi 94 tại Paris (Pháp) do tuổi cao sức yếu nhưng các tác phẩm của ông để lại cho đời vẫn được công chúng yêu thích. -Ảnh tư liệu.

Song, như thế đã là nỗ lực vượt bậc so với cả nước, kể cả đối với hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP.HCM. Ông Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, đánh giá việc giao hai ngôi nhà cho hai nghệ sĩ là hành động tiên phong.

“Đây là ước mơ của giới văn nghệ sĩ nói chung. Ở Hà Nội chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị có một cái nhà cho những bộ sưu tập rất có giá trị nhưng không làm được. Hà Nội không vội được đâu, nên không biết đến năm nào mới có.

Nhưng Huế đã làm được, là tấm gương cho nhiều tỉnh thành khác!” - ông nói. Sử gia Dương Trung Quốc thì đánh giá:

“Huế không những đi đầu mà còn thành công trong việc xây dựng mô hình mới và phát huy vai trò của nghệ thuật trong đời sống. Đây cũng là một cách trân trọng đối với những tác phẩm nghệ thuật và đối với những tác giả đã đóng góp cho đất nước!”.

Dịp này, nhiều nhà chuyên môn cũng nhắc đến nhiều di sản rất quý giá, không những không phát huy được mà còn để rơi vãi, mất mát.

Ông Trần Khánh Chương tiếc nuối tột cùng khi nhắc đến ngôi nhà 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội vốn là nơi ở của nhiều bậc danh họa và nghệ sĩ nổi tiếng, rất xứng đáng là một địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ đô, nhưng đang trong tình trạng chia năm xẻ bảy. Kể cả bộ sưu tập hàng ngàn tác phẩm ký họa của danh họa Trần Văn Cẩn để lại, thật đáng tiếc khi đã không trở thành tài sản văn hóa có thể phát huy được.

Triển lãm Lê Bá Đảng - một tâm hồn thuần Việt nhân 10 năm thành lập Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (20-4-2016) -Ảnh tư liệu.

Sử gia Dương Trung Quốc thì nói thẳng là “sự thất bại” trong ứng xử đối với hai bộ sưu tập lớn và rất có giá trị của cụ Đức Minh ở Hà Nội và của cụ Vương Hồng Sển ở TP.HCM... Trong khi đó Huế, với mô hình trung tâm nghệ thuật, xã hội hóa có một phần hỗ trợ của Nhà nước, lại thành công.

Từ sự thành công này, ông Quốc cho rằng cần nhân rộng mô hình để trở thành đường lối, chủ trương chung. Và Huế nên mạnh dạn đề xuất với cơ quan có chức trách như Bộ VH-TT&DL và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xây dựng mô hình và cơ chế để áp dụng không chỉ cho riêng Huế mà còn cho quốc gia...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên