13/08/2013 06:40 GMT+7

Cần "nhân bản" hành động của chị Nguyệt

H.ĐIỆP ghi
H.ĐIỆP ghi

TT - Bên cạnh nhiều ý kiến bạn đọc tiếp tục phản ứng vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), có gần 60 ý kiến đã chia sẻ, động viên, đề nghị bảo vệ chị Nguyệt “Hoài Đức” và những người đã tố cáo tiêu cực để có thể “nhân bản” hành động dũng cảm này.

xSeRm2nz.jpgPhóng to

Cảm ơn

Cảm ơn chị và đồng nghiệp đã dũng cảm đứng lên tố cáo sự thật. Hành trình của các chị có thể gian khó, đối mặt với nhiều cam go... nhưng kết quả là sự trong sạch của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và lòng tin của người bệnh. Chị hãy vững tin vào cuộc sống, ở lý lẽ nhân - quả, chị nhé. (Lê Minh)

Cần tôn vinh họ

May mắn thay cho xã hội ta còn có những người như chị Nguyệt và các đồng nghiệp dũng cảm của chị. Xã hội sẽ tốt lên khi những người có tấm lòng, có khả năng, có can đảm tố cáo sự sai trái như chị Hoàng Thị Nguyệt, chị Phan Thị Oanh, anh Phan Nam Đông... Những người này là những viên ngọc quý của xã hội. Họ phải được trân trọng, bảo vệ, khen thưởng thật xứng đáng.

(Nguyễn Thị Hiền Mai)

Bảo vệ họ

Không chỉ hoan nghênh, biểu dương và khen thưởng đối với những người dũng cảm như các anh chị Nguyệt, Oanh, Đông..., mà còn phải bảo vệ họ thật an toàn trong cuộc sống hằng ngày nữa. Bởi lẽ bọn “lợi ích nhóm” còn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong cơ quan, doanh nghiệp nói chung. Nếu không làm tốt việc bảo vệ này thì “sự nghiệp chống tham nhũng” sẽ thất bại.

(Công Thành)

Dũng cảm

Cảm ơn chị đã đi đến cùng sự thật, chị là người dũng cảm. Chúng ta đã có rất nhiều những người dám đứng ra tố cáo, nhưng chỉ rộ lên một thời gian ngắn. Sau đó, nhiều người trong số này và gia đình họ phải đối mặt với sự cô lập tại nơi làm việc, con cái đi học bị bạn bè xa lánh... Mong chị Nguyệt và những người cùng chị đấu tranh sẽ được bảo vệ để không rơi vào tình cảnh như vậy.

(Trịnh Huy)

Nhiều người sẽ mạnh dạn...

Tôi nghĩ còn biết bao nhiêu người như chị Nguyệt trong xã hội chúng ta. Chỉ có điều là họ không dám đứng ra tố cáo tội phạm, vì sợ bị trả thù có thể gây nguy hiểm đến tính mạng gia đình và người thân. Chúng tôi nghĩ Nhà nước nên đứng ra bảo vệ tuyệt đối sự an toàn cho những con người đáng trân trọng này. Nếu làm được điều này cho chị Nguyệt và những người tố cáo tiêu cực khác, tôi tin chắc nhiều người sẽ mạnh dạn tố cáo tội phạm, đất nước chúng ta sẽ phát triển trên một bình diện mới. Chúng tôi ủng hộ chị Nguyệt và đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên tặng ngay bằng khen cho tập thể những người dũng cảm tố cáo tiêu cực này.

(Thanh Nga)

Chấn chỉnh các “liên kết đen”

Tôi đề nghị Bộ Y tế cần chấn chỉnh ngay việc các công ty, cá nhân bên ngoài đặt máy xét nghiệm, máy siêu âm... để ăn chia trong các bệnh viện. Trên nguyên tắc việc đặt máy vì những yêu cầu và lợi ích của người bệnh thì rất tốt, nhưng phần lớn là do có ăn chia, lót tay, nên nâng giá mua hóa chất xét nghiệm lên cao để chia hoa hồng cho giám đốc và trưởng khoa, đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Nhiều bạn bè trong ngành y nói với tôi chuyện này thấy rất rõ nhưng chưa được xử lý. Bộ Y tế hãy thanh tra các bệnh viện sẽ biết. Báo giới cũng nên tìm hiểu vấn đề này để lên tiếng. Chúng ta cần chung sức để mang lại sự an toàn cho người bệnh.

(Lê Văn Dũng)

______________________________

Đã có quy định bảo vệ người tố cáo

Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản dưới luật đều quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, nếu người tố cáo bị đe dọa và uy hiếp thì có quyền yêu cầu cơ quan điều tra bảo vệ mình.

Còn trong lĩnh vực hành chính, mọi công chức đều có quyền và nghĩa vụ tố cáo đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan đơn vị mình đang công tác. Cụ thể, trường hợp của chị Hoàng Thị Nguyệt cùng các đồng nghiệp đã dũng cảm tố cáo lãnh đạo thì đây cũng là trách nhiệm của chị Nguyệt và đồng nghiệp trước những việc làm sai trái của cán bộ trong cơ quan. Và đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh.

Việc người tố cáo (ngoài lĩnh vực hình sự) nếu bị uy hiếp, bị dọa dẫm thì có thể áp dụng theo Luật hình sự để tố cáo thêm những hành vi uy hiếp, dọa dẫm này đến cơ quan điều tra để được hỗ trợ và giúp đỡ. Hiện nay, việc bảo vệ người khiếu nại tố cáo được triển khai trong lĩnh vực hình sự, còn lĩnh vực dân sự thì người tố cáo nếu bị đe dọa còn có lãnh đạo cấp cao hơn và các cơ quan đoàn thể của địa phương bảo vệ. Nhưng thực tế, các cơ quan đoàn thể địa phương thường bị ràng buộc với chính quyền và cơ quan, bởi vậy người khiếu nại tố cáo có thể yêu cầu đoàn thể cấp cao hơn bảo vệ và ủng hộ mình. Và đương nhiên, cơ quan tố tụng cần phải phối hợp với các tổ chức quần chúng hỗ trợ và bảo vệ những người tố cáo.

Đừng để thói gian dối lan tràn

Câu chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã chỉ ra cách làm ăn gian dối, thiếu lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Phải chăng có vấn đề lương tâm và y đức? Phải chăng có vấn đề về chế độ đãi ngộ chưa hợp lý đối với ngành y nên một số cán bộ nhân viên đành “đói ăn vụng túng làm càn”? Phải chăng còn có lỗ hổng trong công tác quản lý tài chính nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng?...

Dư luận không thể không lo ngại đặt ra câu hỏi còn bao nhiêu bệnh viện trên đất nước này có kiểu “nhân bản “như ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức mà chưa bị lộ? Có lẽ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức không phải là trường hợp duy nhất vì cơ chế kiểm soát tài chính bảo hiểm bị “hổng”, lập tức sẽ bị ”lách” ngay. Ở đâu cơ chế yếu kém, buông lỏng kiểm soát, ở đó lòng trung thực dễ bị lấn át bởi lòng tham.

Nhưng công nghệ “nhân bản” chắc không dừng lại chỉ ở ngành y tế. Đã từng có cán bộ quản lý ngành dạy nghề bị xử lý vì “nhân bản” tên người học nghề để tham ô tiền nhà nước trong Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Đã từng có những hội nghị họp một ngày nhưng phải “nhân bản” thành hai ba ngày để “giải ngân” cho hết tiền ngân sách hoặc để hợp lý hóa định mức chi trên ngày. Đã có những công trình nghiên cứu “gia công” nhân bản số liệu hoặc “nhân bản” công trình của người khác... Liệu những vấn đề trên có thể trở thành phổ biến trong xã hội hay không. Muốn ngăn chặn, không thể không có sự can thiệp mạnh tay của các nhà quản lý.

Xã hội không thiếu những tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, hi sinh quên mình. Đó mới là những tấm gương cần được “nhân bản”. Và tất nhiên, cần xử lý nghiêm khắc và có cơ chế thông minh, ứng dụng công nghệ hiệu quả để những cách làm ăn gian dối không còn đất sống.

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

H.ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên