24/11/2015 07:40 GMT+7

Cân nhắc việc nâng tuổi trẻ em

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 23-11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi hiện nay lên dưới 18 tuổi.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng đến thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn, trong khi các nước xung quanh ta như Lào, Campuchia là hai quốc gia gần nhất cũng đã quy định độ tuổi này.

Nếu tăng độ tuổi trẻ em như dự thảo sẽ có thêm khoảng 4 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi được bảo vệ, được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của quốc tế.

“Tôi đề nghị dù có phải tốn kém để điều chỉnh thì cũng là việc nên làm, phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước” - đại biểu Hoàn nói.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho biết Trung ương Đoàn nhất trí với việc nâng độ tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, đại biểu Vinh nêu ra một số vấn đề, cụ thể như Luật thanh niên quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, nếu nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, Luật thanh niên sẽ phải sửa, tức là thanh niên Việt Nam từ 18 đến 30 tuổi.

Hiện nay Điều lệ Đoàn ghi “Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến”, nếu Luật thanh niên sửa thì cũng phải sửa lại Điều lệ Đoàn để tuổi đoàn viên từ 18 đến 30.

“Như vậy với học sinh cấp III thì bây giờ ta chưa biết để tổ chức nào quản lý. Nếu để Đội thiếu niên tiền phong ở cấp III thì tôi thấy rất khó khăn. Còn nếu tổ chức Đoàn thanh niên ở học sinh cấp III thì dự thảo luật phải diễn đạt lại” - đại biểu Vinh nói.

Về hệ thống bảo vệ trẻ em, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng dự thảo luật chưa xác định cơ chế hoạt động điều hành của hệ thống như thế nào, vị trí pháp lý ra sao, trực thuộc ai.

Để hệ thống bảo vệ trẻ em hoạt động có hiệu quả, dự thảo luật cần làm rõ những vấn đề này và nên nghiên cứu theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối, điều phối hoạt động của hệ thống.

“Tôi đề xuất có thể giao cho ngành lao động - thương binh và xã hội là cơ quan quản lý nhà nước để trực tiếp điều hành hệ thống này” - đại biểu Thúy nói.

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thống kê (sửa đổi) và Luật khí tượng, thủy văn.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên