Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng từ “bắt buộc” trong BHYT cần phải được cân nhắc kỹ và quy định về tham gia BHYT theo hộ gia đình cần phải được giải trình thêm.
Nhiều ý kiến đại biểu thừa nhận sự cần thiết tiến tới BHYT toàn dân nhưng lo ngại khó khả thi nếu áp dụng ngay lập tức. Theo đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh), kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy nếu bắt buộc toàn dân tham gia BHYT thì tỉ lệ hỗ trợ của Nhà nước phải trên 50% dân số.
Bà Phương dẫn chứng như ở Cộng hòa Czech, quy định BHYT bắt buộc và ngân sách nhà nước đóng BHYT cho 56% dân số, Thái Lan cũng áp dụng BHYT bắt buộc toàn dân và ngân sách nhà nước hỗ trợ cho gần 77% dân số. Từ thực tế này, bà Phương đề nghị nếu Việt Nam muốn thực hiện thì cần cân nhắc tính tới các khả năng như ngân sách nhà nước có choàng gánh được cho các đối tượng khó khăn hay không.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nêu quan điểm: “Hiện tại khám dịch vụ vẫn đang thực hiện tốt và được nhiều người dân lựa chọn. Trong khi đó cơ sở vật chất của những khu khám chữa bệnh của ta vẫn còn chưa đảm bảo. Khi Nhà nước chưa có điều kiện hỗ trợ người dân mua BHYT, cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo thì nên giữ nguyên quy định như hiện tại”.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thẳng thắn nhận xét: “Tôi thấy ban soạn thảo dự luật chưa có giải pháp để tiến tới BHYT toàn dân. Nội hàm “bắt buộc” ở đây là gì? Nếu người dân không tham gia thì xử lý thế nào và xử lý được hay không?”. Ông Cường dự đoán nếu không làm rõ được giải pháp thì dù có quy định “bắt buộc” nhưng rồi sẽ vẫn chỉ có thể tuyên truyền vận động tham gia là chính.
Nhiều đại biểu có chung nhìn nhận thực tế người dân chưa muốn tham gia BHYT vì BHYT chưa có sức hút (nhận xét của đại biểu Phạm Thị Thu Hồng - Bình Định), quyền lợi của họ chưa được tôn trọng, tuyến cơ sở chưa tạo được lòng tin của dân (ý kiến của đại biểu Lưu Thành Công - Vĩnh Long), xuất hiện hiện tượng vô cảm, thiếu trách nhiệm và cửa quyền của một bộ phận y bác sĩ cộng với bất cập về chất lượng khám chữa bệnh (đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông). Theo các đại biểu, nếu Nhà nước và ngành y tế giải quyết được triệt để những vấn đề trên thì người dân tự khắc sẽ tham gia BHYT mà không cần bắt buộc.
“Cần có quy định về hệ thống kiểm tra giám sát chất lượng khám chữa bệnh độc lập chứ không nên để ngành y tế vừa đá bóng vừa thổi còi”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề xuất. Theo bà Lan, để BHYT mang đầy đủ ý nghĩa là sự hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì nên mở rộng chi trả cho bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo nhưng phải tính toán cho có lộ trình hợp lý. Bà Lan còn đề nghị có thể chia BHYT ra làm hai dạng: ngoài gói BHYT cơ bản phổ biến trong toàn dân thì có thêm gói BHYT bổ sung để người dân tự lựa chọn tham gia theo điều kiện của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận