Phân quyền, phân cấp là một chủ trương đúng đắn. Tất nhiên không phải là khoán trắng mà có đi đôi với kiểm tra, giám sát trong một thể đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 53km có tổng mức đầu tư 17.800 tỉ đồng, khởi công vào tháng 6-2023, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và khai thác đồng bộ năm 2026.
"Mục tiêu đến 2030, có khoảng 5.000km đường cao tốc. Từ nay đến 2025, ngành giao thông phải hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc, gấp 4 lần số km cao tốc đã thực hiện trong suốt 20 năm qua. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, song chúng ta đã có nhiều bài học quý giá để khắc phục những bất cập của giai đoạn trước".
Đây là lời Thủ tướng Phạm Minh Chính từng phát biểu. Thủ tướng cũng khẳng định điều đặc biệt nổi bật nhất là cơ chế để làm cao tốc nhanh là sự phân cấp, phân quyền.
Thực tế cho thấy phân cấp phân quyền cho các địa phương phát huy tác dụng, lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay, ngành giao thông đã đưa vào khai thác đến 475km đường cao tốc trong năm 2023. Nếu chỉ mỗi Bộ GTVT tổ chức thực hiện như những năm trước đó sẽ quá tải, khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cao tốc hoàn thành chưa đồng bộ giữa các hạng mục xây dựng, vô tình tạo nút thắt cổ chai tại các lối ra vào, thiếu trạm dừng nghỉ.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng là trục giao thông xương sống, giảm kẹt xe cho quốc lộ 51, phát huy tối đa năng lực sân bay quốc tế Long Thành, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, mở ra không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành càng sớm thì hiệu quả càng cao, hạn chế phát sinh chi phí, thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Góp phần tăng giải ngân, hưởng lợi nhiều nhất vẫn là địa phương có dự án đi qua.
Khởi công cao tốc bước đầu đã xuôi, nhiều mũi thi công tại hiện trường cho thấy quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Hy vọng sắp tới UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù cho phép các địa phương chủ động phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, kể cả việc trưng dụng đất an ninh - quốc phòng, giải quyết nhanh nhất các trở ngại là một thuận lợi rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Mỗi dự án có quy mô lớn như cao tốc có nhiều hạng mục, tổ chức, cá nhân tham gia. Đòi hỏi có sự phối hợp tốt, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để đạt hiệu quả cao nhất. Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu phải có sự chuẩn bị và cụ thể hóa trách nhiệm, khâu nào trục trặc liền có người giải quyết.
Cần sắp xếp phạm vi các hoạt động trong dự án theo sự điều phối, thống nhất để mỗi thành phần tham gia đều nhận biết hiệu ứng đến lượt mình phải làm nhằm tiếp nối và hòa cùng vào tiến độ tổng thể. Đó phải là "nhạc trưởng" cho dự án.
"Nhạc trưởng" còn có nhiệm vụ kết nối quản lý quy hoạch và thực hiện đạt các mục tiêu có liên quan đến cao tốc dễ thấy là nguồn vốn xây dựng, tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí vận hành phương tiện.
Hơn nữa, gắn liền quy hoạch cao tốc với quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến, định hình lại sự cân bằng giữa khu vực đô thị khiến các vùng nông thôn hoặc xa xôi tách biệt trước đây giờ trở nên dễ tiếp cận và thuận lợi hơn.
Bộ GTVT sẽ là cơ quan thích hợp nhất để thể hiện vai trò "nhạc trưởng". Không chỉ với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong quá trình tổ chức thi công, điều phối giữa các dự án thành phần mà sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sao cho đảm bảo đồng bộ các tiện ích như trạm dừng nghỉ, hạn chế các nút thắt tại lối ra vào gây kẹt xe như đã từng xảy ra với các dự án trước đó.
Các bước công việc đều triển khai nhịp nhàng, giảm thiểu các thủ tục, ý kiến qua lại, chờ đợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận