Người đàn ông tâm thần ấy là anh cả trong gia đình có 11 anh em. Bây giờ họ đều trở thành nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “tranh chấp di sản thừa kế”.
Chuyện nhà
Tài sản tranh chấp là căn nhà tại Gò Vấp (TP.HCM) đã được định giá hơn 3 tỉ đồng. Căn nhà ấy là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là nơi sinh sống của gần 10 người gồm người con cả, gia đình người con thứ 5, gia đình người con thứ 6, người con thứ 9 và thứ 10...
Tại đơn trình bày gửi đến tòa, một đương sự yêu cầu tòa phân xử nhanh chóng để trả lại sự bình yên cho khu phố vì không ngày nào từ ngôi nhà ấy lại không phát ra những tiếng la hét, chửi bới ồn ào...
Người phụ nữ tạo lập nên căn nhà ấy đã từng bươn chải để nuôi 11 đứa con khi chồng mất sớm. Nhưng một nửa số con của bà lại không có công ăn việc làm, không có gia đình riêng.
Bà mất được hai năm thì 11 anh em họp bàn nhau về việc chia hai căn nhà do mẹ để lại. Một căn tại quận 1, căn thứ hai tại quận Gò Vấp.
Biên bản thể hiện: bán căn nhà ở quận 1 để chia đều cho các anh chị em, mỗi người được 100 triệu đồng.
Căn nhà ở Gò Vấp chỉ được chia khi người anh trai cả qua đời. 10 người con ký tên vào biên bản, trừ người con gái thứ hai. Sau này bà nộp đơn khởi kiện các đồng thừa kế còn lại yêu cầu chia căn nhà ở quận Gò Vấp.
Họ đã từng ngồi lại với nhau bàn về việc chia nhà nhưng lần nào cũng kết thúc bằng việc mắng chửi nhau. Trừ người anh mắc bệnh tâm thần, 10 người còn lại chia làm hai phía.
5 người đồng ý bán nhà để chia, 5 người không muốn bán nhà hoặc tùy tòa xử sao cũng được. Nguyên đơn đưa ra lý do: “Tài sản ba má để lại, ai cũng phải được hưởng phần bằng nhau”.
Người phản đối việc chia nhà gay gắt nhất là cô con gái thứ 8. Ở cả tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bà đều trình bày lý do: “Những ngày hấp hối, má tôi chỉ lo lỡ má qua đời thì ai sẽ thay má chăm sóc anh Hai. Khi đó tôi đã hứa với má là sẽ chăm sóc anh Hai thật tốt cho đến khi anh tôi qua đời. Giờ bán nhà để chia thì anh Hai tôi biết đi đâu về đâu?”.
Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp chia căn nhà làm 10 phần, mỗi người được hưởng 1 phần (riêng người con trai thứ 9 trước đây đã nhận hai phần thừa kế căn nhà ở quận 1 nên nay không được chia thêm). Tòa giao cho người con trai thứ 6 nhận nhà và hoàn lại tiền cho các anh chị em.
Tuy nhiên bản án lại cho rằng người con cả bị mất năng lực hành vi dân sự, lại già yếu chưa có chỗ ở, người con thứ 9 sức khỏe yếu, không có việc làm, không có nhà cửa, không có thu nhập nên hai người được quyền lưu cư trong căn nhà cho đến khi tìm được chỗ ở mới.
Người con trai thứ 6 kháng cáo với lý do: “Tòa đã tuyên tôi phải hoàn tiền cho các đồng thừa kế để sở hữu căn nhà nhưng lại cho hai anh tôi được quyền ở trong căn nhà là vi phạm đến quyền lợi của tôi...”.
Chuyện người
Gần chục đương sự có mặt tại TAND TP.HCM để tham dự phiên xét xử phúc thẩm. Người đàn ông mắc bệnh tâm thần không có mặt tại tòa.
Sau khi mẹ qua đời, căn nhà ở quận 1 bị bán. Người anh trai cả cùng mấy anh em đưa nhau về Gò Vấp sinh sống.
Người con gái thứ 8 muốn giữ nhà nêu lý do: “Có lúc anh Hai ăn cơm bị sặc, khạc ra cả mâm cơm, thằng em thấy vậy lao vào đánh anh. Dù có chút mâu thuẫn nhưng nếu giữ lại căn nhà thì anh Hai tôi vẫn còn chỗ để ở”.
Ngược lại, người con gái thứ 5 muốn chia nhà thì bảo: “Mẹ đã chia đều căn nhà cho các con. Vậy mà anh Hai tôi chỉ có một chiếc giường nhỏ đặt ở góc lầu, không bao giờ được đi cửa chính... Anh Hai tôi phải đi vào con hẻm nhỏ sát bên nhà đầy sình lầy, dơ bẩn để lên lầu...”.
“Những người muốn chia nhà đều đã có nhà cửa, đều có bàn tay khối óc, có thể tạo dựng được tài sản. Còn anh Hai tôi bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự, nếu tòa tuyên chia nhà thì anh ấy sẽ ở đâu? Anh em cùng cha cùng mẹ, thật ê chề khi phải gặp nhau tại tòa để chia tài sản...” - cô con gái thứ 8 trình bày.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi bà tự tay xé nát tờ đăng ký quyền sử dụng đất với hi vọng “chẳng chia chác gì cả”.
Bà khẳng định trước tòa sẽ tìm mọi cách “quậy” để kéo dài thời gian, chờ đến khi anh Hai chết rồi ai muốn chia gì thì chia. Nguyên đơn nghe vậy liền bảo: “Chờ đến khi anh ấy chết thì tui còn sống được nữa không mà thưa với kiện”...
Có ba lần tòa tuyên hoãn xử hoặc nghỉ nghị án rồi bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi. Vì vậy phiên xử phúc thẩm kéo dài từ đầu tháng 12-2016 đến đầu năm 2017 mới xong.
Thế nhưng phán quyết cuối cùng vẫn chưa có. Tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm chưa mời hết những người đang lưu trú tại căn nhà để xem xét quyền lợi của họ là vi phạm tố tụng.
Việc tòa sơ thẩm giao nhà cho người con thứ 6 nhưng lại cho hai người khác lưu cư là vi phạm quyền sở hữu. Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp xét xử lại.
Anh em họ nghe tuyên án rồi hậm hực kéo nhau ra về. Nếu căn nhà được chia theo di chúc, trừ các khoản chi phí thuê luật sư, án phí, thi hành án..., mỗi người sẽ được hơn 200 triệu đồng.
Đó có thể là một số tiền lớn. Nhưng để cầm được số tiền ấy trên tay, anh em họ đã phải đánh đổi bằng 4 năm mòn mỏi hầu tòa và thời gian ấy vẫn chưa kết thúc.
Gần 10 người đang lưu trú trong căn nhà ấy chưa biết đi đâu về đâu, nơi thờ cúng cha mẹ cũng không còn, tình nghĩa máu mủ ruột rà cũng tan biến…
Người con gái út không có gia đình giờ trở thành chỗ dựa cho anh trai bệnh tâm thần. Hằng ngày bà lo cho anh chuyện cơm nước, trông chừng anh. “Tui biết không thể đòi giữ nhà của má để ở mà không chia cho các anh em khác” - người con gái út kể. Bà bảo chỉ mong vụ kiện nhanh chóng kết thúc. Nếu nhận được tiền chia nhà, bà sẽ gộp chung phần mình với anh Hai, mua một căn nhà nhỏ để hai anh em có chỗ chui ra chui vào. Kể về dự định ấy nhưng rồi bà thở dài: “Mỗi người hơn 200 triệu đồng làm sao mua nổi nhà ở Sài Gòn. Giá như anh em thỏa thuận được với nhau, bán nhà theo giá thị trường, không mất phí thi hành án, phí cho tòa, cho luật sư thì mỗi người sẽ được thêm chút đỉnh...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận