Cuối tháng chạp, những nhóm chat gia đình bỗng sôi nổi hơn bởi các thành viên trong gia đình đã bắt đầu kỳ nghỉ Tết. Chuyện mua sắm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán được cập nhật rôm rả.
Mỗi nhà có ít nhất 3 nhóm chat gia đình
"Bắt đầu từ 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời là nhóm chat gia đình tôi chộn rộn bàn bạc chuyện ăn Tết rồi. Mọi người thông báo cho nhau ngày nghỉ Tết, tranh thủ về quê sớm để phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm bánh trái, cúng kiếng,…", chị Ngọc Diễm (28 tuổi, quê Vĩnh Long) chia sẻ.
Chưa kết hôn nên chị Diễm cho hay mình đón Tết rất đơn giản, chủ yếu về quê sum vầy cùng gia đình, thăm bà con họ hàng.
Và cứ giao thừa hằng năm, chị Diễm và gia đình, bạn bè sẽ nhắn tin chúc nhau trên các nhóm chat. Mỗi người sẽ chọn những lời hay ý đẹp, đôi khi là những lời chúc Tết hài hước, hình ảnh độc đáo gửi đến nhau vào khoảnh khắc đầu tiên của năm mới.
Cứ vậy, những nhóm chat này lại tiếp tục làm nhiệm vụ "lưu giữ" những hình ảnh, khoảnh khắc sum vầy của từng gia đình.
Chị Đỗ Thị Huỳnh Như (33 tuổi, ngụ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) khoe từ ngày có mạng xã hội như Zalo, Facebook… các thành viên trong gia đình chị dễ dàng kết nối, tương tác với nhau hơn.
"Ngoài công việc tôi có ba nhóm chat gia đình. Nhóm thứ nhất có bốn thành viên là ba mẹ, chị gái và tôi. Nhóm thứ hai là gia đình nhỏ của tôi gồm hai vợ chồng và con trai. Nhóm còn lại là nhóm dòng họ bên nội gồm các chú bác và con cháu trong gia đình.
Mỗi ngày rộn ràng tin nhắn, hình ảnh được gửi đến các nhóm cũng thấy vui, không có khoảng cách dù mọi người đâu có ở gần nhau", chị Như chia sẻ.
Mở tin nhắn trong nhóm chat gia đình nhỏ của mình, chị khoe hình ảnh hai bé con đi học và chơi ở trường, hình ảnh vợ chồng chị đi làm, đi hội nghị hoặc công tác.
Bên cạnh đó, là những thông tin về thời hạn đóng tiền học cho con, thời khóa biểu của các con hoặc các giờ học ngoại khóa được lưu lại để vợ chồng chị nhớ, phân công nhau đưa đón các bé.
Trong nhóm chat với nhà ngoại, chị gửi hình các con để ông bà đỡ nhớ cháu. Nếu gia đình có người nào đi du lịch thì cũng gửi vào khoe để tạo sự gắn bó, kết nối với nhau.
Chị Như kể: "Có thời điểm mẹ đi du lịch nước ngoài cùng hội bạn, còn ba đi công tác và liên hoan với đơn vị, hai ông bà cùng gửi hình lên nhóm chat khoe với các con. Thấy ba mẹ vui vẻ tận hưởng cuộc sống, hai chị em tôi vui lắm.
Dịp kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, chị hai tôi mua bánh kem, thấy vậy ba tôi lục lại giấy đăng ký kết hôn thời xưa rồi chụp lại gửi vào nhóm, rất thú vị".
Vào ngày sinh nhật của thành viên nào đó trong gia đình thì nhóm chat còn có chức năng nhắc nhở để những thành viên còn lại gửi lời chúc mừng, tặng những "sticker" (nhãn dán) đáng yêu, thể hiện tình cảm.
Còn nhóm chat với dòng họ bên nội, các chú bác bàn bạc chuyện phụng dưỡng ông bà nội, nhắc ngày kỷ niệm, đám giỗ để mọi người sắp xếp thời gian về họp mặt.
Cần người "giữ lửa" cho nhóm chat gia đình
Tuy nhiên theo chị Thủy Tiên (34 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM), để duy trì nhóm chat gia đình cần có một vài thành viên năng nổ hoạt động.
"Gia đình tôi có bảy người từng lập một nhóm chat gồm mẹ và các anh chị em, thông báo cho nhau những việc quan trọng như giỗ chạp, lễ lạt, chúc mừng sinh nhật, gửi hình ảnh chung…
Tuy nhiên sau này mọi người không có thời gian để chat, cần gấp gì thì gọi luôn cho nhanh", chị Tiên nói.
Nhóm chat của gia đình chị Tiên lúc mới được lập rất sôi nổi nhưng sau thời gian không còn ai "giữ lửa", hoạt náo nên cũng chìm vào quên lãng.
Và trong một lần dọn dẹp bộ nhớ điện thoại chị Tiên đã xóa luôn nhóm chat vì để không làm gì mà lại… tốn bộ nhớ.
Còn anh Quang Trung (30 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) cho rằng: "Nhóm chat cũng chỉ để lúc cần thông tin gì nhanh cho thành viên trong gia đình cùng nắm. Tranh thủ gặp nhau được sẽ tốt hơn. Chứ chat trên mạng nhiều nhưng lâu ngày không gặp nhau cũng chẳng còn chuyện gì để chat…", anh Quang Trung nói.
Cứ rảnh là gọi video nhóm để đỡ nhớ nhau hơn
Anh Nguyễn Lê Nguyên (hiện ở Tokyo, Nhật Bản) cho biết trước khi sang nước ngoài làm việc, anh đã dành hẳn một tuần để hướng dẫn ba mẹ mình sử dụng các tính năng của điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Nhiều năm nay, gia đình anh sử dụng nhóm chat trên Facebook để làm kênh liên lạc chính.
"Người lớn tuổi không rành công nghệ và điện thoại nên mình phải hướng dẫn từ từ, kỹ càng. Cách mở ứng dụng thế nào, tìm nhóm chat của gia đình mình, nhắn tin và gửi hình ảnh vào đó, tải hình ảnh về bằng cách nào… Nhiều tính năng phức tạp ba mẹ không cần dùng thì mình khỏi nhắc tới để ông bà khỏi phân tâm", anh Nguyên chia sẻ.
Dù xa nhau nhưng cứ có thời gian rảnh là gia đình anh Nguyên lại gọi video nhóm chat. Mọi người nhìn thấy mặt nhau hằng ngày cũng sẽ đỡ nhớ nhau hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận