Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường chưa rõ ràng và tồn tại ảnh hưởng bất lợi đối với kinh tế, xã hội.
Tăng thuế đồ uống có đường để kiểm soát thừa cân béo phì?
Trong dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có nội dung đề xuất “bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn… vào các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Mục tiêu chính của đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là bảo vệ sức khỏe người dân, do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh khác.
Trước vấn đề trên, một số chuyên gia cho rằng chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế Việt Nam, nhóm học sinh thành thị có tỉ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Ngoài ra, so với nước ngọt, trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo, kem, chè… nhiều hơn (51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn).
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết đó là bởi vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải nguyên nhân chính như ăn thừa năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động ít.
Song song với thiếu vận động, người có chế độ ăn uống không hợp lý, đưa vào cơ thể quá nhiều calories so với năng lượng được tiêu hao sẽ dễ bị thừa cân béo phì.
Việc áp dụng mức thuế mới đối với đồ uống có đường sẽ kéo theo nhu cầu về các sản phẩm nước giải khát đường phố, các sản phẩm có đường như kem, chè, bánh ngọt… cũng chứa lượng đường cao, khó đạt mục tiêu “chống béo phì” ban đầu.
Do đó, nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt.
“Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan, đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng hợp lý”, bà Lâm cho biết.
Tăng thuế có đem lại lợi ích cho nền kinh tế?
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tác động của dự luật thuế sửa đổi liên quan đến nước giải khát có đường đến kinh tế - xã hội năm 2018 đã chỉ ra rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm ngành nước giải khát có đường tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều so với mức thuế mà Bộ Tài chính có thể thu về cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, doanh thu từ thuế gián thu có thể giúp tăng thêm cho ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỉ đồng, nhưng tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến doanh thu và sản lượng của ngành nước giải khát giảm 3.928 tỉ đồng, dẫn tới doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo.
Hiện ngành đồ uống có doanh thu 200.000 tỉ đồng/năm, đóng góp gần 60.000 tỉ đồng/năm vào ngân sách nhà nước (khoảng 3.2% tổng thu ngân sách nhà nước), tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tạo tác động lan tỏa khi thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị: nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ…
Do đó, một sắc thuế ảnh hưởng đến ngành này cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.
Ông Đỗ Thái Vương, đại diện Tiểu ban Nước giải khát - Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho biết: "Hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường”.
Hiện trong số 193 nước trên thế giới, có 54 nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa được chứng minh mang lại hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì.
Năm 2012, Đan Mạch đã phải bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp, trong khi có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống.
Tại khu vực châu Á, một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì ở các quốc gia này vẫn liên tục tăng.
Phát biểu trong hội thảo mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đặt câu hỏi là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch, việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hay không?
Vì vậy, ông đề nghị làm rõ việc đánh thuế vào sản phẩm đồ uống có đường liệu có làm giảm được các loại bệnh thừa cân, béo phì? Cũng bởi, việc đánh thuế phải theo thông lệ quốc tế, tăng thuế có thể tăng thu, nhưng dự thảo chưa chứng minh được việc tăng thuế sẽ làm giảm hành vi tiêu dùng.
Khái niệm đồ uống có đường quá chung chung
Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng liên quan đến sản xuất kinh doanh đồ uống và thực phẩm đã lên tiếng cho rằng khái niệm đồ uống có đường mà Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là quá chung chung, phạm vi quá rộng. Chưa kể, quy định hiện nay không có định nghĩa thế nào là “đồ uống có đường”.
Trong khi đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu, tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm cho trẻ em, phụ nữ, người già, người bệnh… Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận