TTCT - Theo TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch VN, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM “nóng bỏng” trở lại trong những ngày gần đây vẫn do nguyên nhân chủ quan: chưa kiểm soát được nguồn phát thải gây ô nhiễm. TS Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Việt DũngTheo ông Tùng, các ý kiến nhằm đổ hết nguyên nhân ô nhiễm không khí (ONKK) do thời tiết là không đúng. “Cần thẳng thắn nhìn nhận các nguồn thải gây ô nhiễm đều chưa kiểm soát được. Vì thế, khi khí hậu thuận, gió to, các chất ô nhiễm được khuếch tán pha loãng, còn khi khí hậu không thuận, nguồn ô nhiễm phát thải ra được giữ nguyên, tích tụ lại. Đó là lúc thấy hết mức độ khủng khiếp về các nguồn ô nhiễm phát thải vào môi trường” - ông nói với TTCT.Theo ông, những nguồn ô nhiễm là từ đâu?- Vẫn là nguồn gây ô nhiễm cũ từ hoạt động giao thông, nhưng nay số lượng ôtô, xe máy ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn tăng lên rất nhiều. Tiếp đến là bụi từ các công trình xây dựng. Gần như chưa có biện pháp quyết liệt nào ngăn chặn những vi phạm về môi trường trong hoạt động xây dựng cũng như các dự án đào vỉa hè, đào đường.Chúng ta cũng chưa kiểm soát tốt được nguồn phát thải từ các nguồn thải sản xuất như các làng nghề, nhà máy ximăng, thép, điện than…Ngay hoạt động có tính chất mùa vụ như tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa năm nào cũng thế, cứ vào mùa thu hoạch lúa là chất lượng không khí “báo động đỏ” khi nơi nơi đốt rơm rạ.Việc giải quyết các nguồn gây ONKK từ hoạt động của con người như giao thông, xây dựng... có khó đến mức từng địa phương không thể giải quyết được, để ONKK ngày càng tăng như đang thấy?- Giải quyết triệt để tình trạng ONKK không dễ. Đây là vấn đề không chỉ cần tuyên truyền nâng cao nhận thức là xong, phải có những giải pháp mạnh, sự quyết liệt của những người đứng đầu ở địa phương.Thực tế các địa phương đều chưa quyết liệt, còn xem nhẹ vấn đề ONKK. Ngoài những giải pháp mang tính dài hạn, tốn kém, có một số giải pháp không tốn quá nhiều tiền nhưng giảm ngay được nguồn bụi: nhiều hoạt động xây dựng nhà cao tầng, đào vỉa hè, đào đường gây ô nhiễm nhưng các cơ quan thờ ơ, không xử lý, vậy làm sao giảm được bụi.Gần như chưa có công trình xây dựng nào bị xử phạt về gây bụi, gây tiếng ồn, mà chỉ có xử phạt, đình chỉ do xây dựng sai phép, sai quy hoạch. Đơn vị cấp phép đào đường chỉ cấp phép mà không giám sát, nhiều tuyến đường ở Hà Nội sau đào xới san lấp rất tạm bợ, bụi cát ngổn ngang.Chỉ cần lắp camera và một số thiết bị đo ở các công trình xây dựng, truyền dữ liệu về các cơ quan quản lý, công khai cho nhân dân theo dõi, giám sát. Nếu chủ công trình không chấp hành các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe bùn đất không rửa, xe chở phế thải xây dựng không che chắn, thi công gây bụi... có thể trích xuất camera để xử phạt, đình chỉ thi công.Thậm chí coi việc chấp hành bảo vệ môi trường của đơn vị thi công là tiêu chí nhận thầu tiếp theo, quyết liệt tới mức đó mới hi vọng giảm nguồn phát thải bụi. Nguồn thải từ xe cộ, ai cũng thấy gây ONKK rất lớn, nhưng việc kiểm soát xe cá nhân mới nêu ra chứ chưa đặt ra mục tiêu để thực hiện. Thay vì hạn chế xe cá nhân thì số lượng xe này ngày càng tăng, trong khi những dự án giao thông công cộng như đường sắt đô thị triển khai rất chậm.Việc có hạn chế được nguồn gây ONKK hay không có cả trách nhiệm của người dân: có chủ động giảm sử dụng xe máy, chủ động đi bộ với đoạn đường ngắn, đi xe đạp hoặc sử dụng xe công cộng… hay không, đó là nhận thức và trách nhiệm của mỗi người.Mỗi người giảm số giờ sử dụng xe máy tức là góp phần giảm bớt khí phát thải ra môi trường. Mỗi thành phố nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ những người không sử dụng xe máy, chuyển sang dùng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện hoặc sử dụng xe công cộng.Với tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, người dân có nhận thức được mức độ nguy hại từ việc này để từ bỏ ngay? Vừa qua, ngay ở Hà Nội, ngành hàng không phải “kêu cứu” trước việc đốt rơm rạ ở Sóc Sơn vì che khuất tầm nhìn bay.Vừa rồi Hà Nội tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, trao bằng khen cho rất nhiều cơ quan, đơn vị nhưng nông thôn mới gì mà cứ đốt rơm rạ mù mịt như vậy? Cần có thêm những tiêu chí về môi trường như người dân không đốt rơm rạ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.Thông tin chất lượng không khí trên bảng quang báo ở đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM. Tuy nhiên, kết quả này thường công bố trễ khoảng 1 tháng so với thời điểm quan trắc do quy trình thực hiện “thủ công”. Ảnh: Quang KhảiNgoài các giải pháp trên, theo ông, việc công bố thông tin về mức độ ONKK tới người dân cần được triển khai ra sao để người dân chủ động ứng phó?- Vấn đề ONKK hiện nay không thể giải quyết triệt để một sớm một chiều, vì vậy rất cần thông tin cho người dân về mức độ ô nhiễm hằng ngày, hằng giờ để mọi người tự bảo vệ sức khỏe. Đây là trách nhiệm của chính quyền các thành phố. Chính quyền các thành phố, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM phải quan tâm đầu tư mạng lưới quan trắc tự động về chất lượng môi trường, không khí, công bố kịp thời tới người dân.Hiện Hà Nội đã có 2 trạm cố định quan trắc môi trường tự động, cung cấp chất lượng không khí hằng ngày để người dân chủ động phòng tránh, ngoài ra còn có 8 trạm quan trắc cảm biến khác về môi trường. Còn ở TP.HCM hiện chưa có trạm quan trắc tự động nào nên chưa công bố kịp thời, tính cảnh báo còn thấp.Vừa qua, khi ONKK ở Hà Nội, TP.HCM lên tới ngưỡng kém, xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cần phải cảnh báo kịp thời người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp hạn chế ra đường, nhưng ở TP.HCM lại công bố chậm.Việc công bố sớm thông tin có ý nghĩa tích cực với người dân, ít nhất giúp họ biết những điểm ONKK nghiêm trọng, chủ động tránh hay phòng tránh bằng cách mang khẩu trang khi tới đó.Việc này còn giúp các đơn vị biết, thay đổi các kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoài trời nếu khu vực dự định tổ chức đang ONKK tới ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe.Việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động có quá tốn kém hay quá khó khăn về công nghệ?- Ngoài 2 trạm cố định quan trắc môi trường tự động đã được Hà Nội đầu tư và 8 trạm quan trắc cảm biến, tôi được biết Hà Nội đã có lộ trình đến năm 2020 đầu tư thêm nhiều trạm quan trắc nữa (33 trạm quan trắc môi trường - PV).Còn TP.HCM cũng có kế hoạch đầu tư các trạm quan trắc tự động. Việc đầu tư hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động không phải là khó khăn đối với Hà Nội và TP.HCM. Vấn đề là sự đánh giá đúng mức về mức độ nguy hại, ảnh hưởng của ONKK tới sức khỏe của người dân để đầu tư đúng mức.Về công nghệ quan trắc tự động, ngoài việc công bố kịp thời các số liệu về chất lượng môi trường, có thể cung cấp trực tiếp tới từng người dân qua ứng dụng trên điện thoại, để người dân biết được chất lượng không khí hằng giờ, hằng ngày.Sau khi đầu tư hệ thống quan trắc tự động, cần có cơ chế tài chính phù hợp để vận hành hệ thống các trạm quan trắc, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị quan trắc tự động kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng số liệu. ■Theo ông Hoàng Văn Thức - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), ONKK tại các đô thị lớn chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải: các nguồn tại chỗ do các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xe cộ... và những nguồn từ xa vận chuyển đến.Về diễn biến chất lượng không khí, ông Thức cho biết trên cơ sở số liệu tổng hợp từ các địa phương và số liệu tự quan trắc, Bộ Tài nguyên - môi trường đã báo cáo Chính phủ. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Theo số liệu quan trắc, một số ngày vượt quy chuẩn tại khu vực có tuyến đường giao thông đang xây dựng, có mật độ giao thông dày đặc.Theo TS Hoàng Dương Tùng, với bụi mịn từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện than, dưới tác động từ thời tiết, hướng gió, bụi mịn có thể bay xa tới hàng trăm kilômet. Như vậy, bụi mịn từ các nhà máy nhiệt điện nếu thuận gió vẫn có thể bay về Hà Nội.Vấn đề không chỉ là số lượng trạm quan trắc, mà còn ở chỗ các thiết bị đo đạc đó có cập nhật dữ liệu theo thời gian thực hay không. Ngoài ra, dù đã xác định được nguồn ô nhiễm, không dễ để có hoặc đưa vào áp dụng ngay các biện pháp kiểm soát.Cuối tháng 9 vừa qua, khi thủ đô Bangkok của Thái Lan chìm trong bụi mù, Thara Buakamsri, giám đốc văn phòng phía tây nam Thái Lan của Tổ chức môi trường Greenpeace, cho biết đa số các biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí ở nước này “còn nằm trên giấy, hoặc chỉ mới được thảo luận”.Đài Thai PBS World dẫn lời Buakamsri cho biết 19 trạm quan trắc chất lượng không khí do Sở Kiểm soát ô nhiễm Thái quản lý và các thiết bị quan trắc đặt tại tòa thị chính các quận huyện của Bangkok “chưa đủ để cung cấp thông tin theo thời gian thực cần thiết cho công chúng”. Theo trang National Thailand, Thái Lan đặt mục tiêu có 53 trạm quan trắc chất lượng không khí có thể đo bụi mịn PM2.5 vào cuối năm nay.Ở Indonesia cũng đang thiếu thiết bị theo dõi ô nhiễm không khí. Theo báo Jakarta Post, Bộ Môi trường và lâm nghiệp Indonesia chỉ vận hành một máy quan trắc chất lượng không khí ở thủ đô Jakarta, trong khi cơ quan môi trường thành phố này chỉ có 5 trạm quan trắc và không có trạm nào trong số này cung cấp dữ liệu theo thời gian thực. Chẳng hạn, Jakarta Post cho biết ngày 3-6, trang web của cơ quan này chỉ thể hiện chỉ số chất lượng không khí vào ngày 20-5, tức trễ gần 2 tuần.Tịnh Anh Tags: Ô nhiễm không khíBụi mịnTS Hoàng Dương TùngMạng lưới Không khí sạch VNTrạm quan trắc không khí
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.