03/11/2015 08:32 GMT+7

Cần nâng chất lượng bệnh viện tuyến dưới

T.DƯƠNG - L.ANH - 
TH.TÚ - A LỘC ghi
T.DƯƠNG - L.ANH - 
TH.TÚ - A LỘC ghi

TT - 95/100 bệnh nhân trả lời khảo sát của Tuổi Trẻ đề nghị nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến dưới. Đây cũng là hướng các bệnh viện tuyến dưới đang thực hiện.

Thái độ phục vụ vui vẻ của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thạnh, TP.HCM là một trong những liều thuốc tinh thần giúp người bệnh trong quá trình điều trị Ảnh: Hữu Khoa
Thái độ phục vụ vui vẻ của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thạnh, TP.HCM là một trong những liều thuốc tinh thần giúp người bệnh trong quá trình điều trị - Ảnh: Hữu Khoa

Để giảm tình trạng “Vượt tuyến chữa bệnh cho an tâm” (Tuổi Trẻ ngày 2-11), 95/100 bệnh nhân trả lời khảo sát của Tuổi Trẻ đề nghị nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến dưới. Đây cũng là hướng các bệnh viện tuyến dưới đang thực hiện.

* PGS.TS Tạ Văn Trầm (giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang):

Thiếu bác sĩ lẫn trang thiết bị hiện đại

Kết quả khảo sát của báo Tuổi Trẻ phản ánh khá đúng với thực trạng hiện nay ở hầu hết các tỉnh. Thiếu bác sĩ và trang thiết bị hiện đại là yếu tố chính dẫn đến chuyện người bệnh vượt tuyến.

Tại Tiền Giang, do đặc thù về vị trí địa lý (gần TP.HCM) nên người bệnh có xu hướng về TP.HCM là rất cao vì các bệnh viện tại TP.HCM có trang thiết bị hiện đại hơn, có nhiều bác sĩ và trình độ bác sĩ chuyên khoa cũng đầy đủ hơn.

Yếu tố niềm tin, tức sự an tâm mà báo Tuổi Trẻ khảo sát là rất đáng để suy nghĩ và rất đúng với thực tế hiện nay.

Bởi trên thực tế, các bệnh viện tuyến tỉnh (lẫn huyện) đều thiếu thốn cả đội ngũ lẫn trang thiết bị. Ví dụ như tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang hiện nay đang thiếu đến 60 bác sĩ, việc thiếu bác sĩ sẽ dẫn đến công việc của mỗi người nhiều hơn, áp lực từ đó cũng tăng lên...

Một số trang thiết bị hiện đại chưa được trang bị thì đương nhiên người bệnh phải chọn lựa giải pháp vượt tuyến.

* Ông Dương Đức Hùng (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai):

Phải giải quyết hai vướng mắc

Nguyên nhân của việc bệnh nhân vượt tuyến (sẵn sàng bỏ quyền lợi Bảo hiểm y tế chi trả) là họ muốn được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, an toàn. Trong khi những quy định về tuyến của bảo hiểm hiện nay là quy định hành chính, bệnh nhân vượt tuyến theo nhu cầu phải bỏ quyền lợi.

Giải quyết được hai vướng mắc về danh mục thuốc và chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở thì người dân mới tin tưởng ở lại điều trị. Về danh mục thuốc, quy định hiện nay là ở tuyến cơ sở chỉ được thuốc mức độ vừa phải, nhưng lên tuyến trên thì thuốc sẽ ở mức cao hơn, trang thiết bị y tế ở tuyến trên cũng nhiều loại hơn.

Về nhân lực, gần đây có chương trình 1816 đưa thầy thuốc tuyến trên luân phiên về đào tạo và điều trị tại tuyến cơ sở, nhưng nâng chất lượng nhân lực thì không phải chuyện một sớm một chiều.

Tuy nhiên theo tôi, hiện còn một số chuyên ngành sâu như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, nhi khoa thì tuyến dưới còn ít cơ sở điều trị, còn các bệnh khác thì nhờ 1816 và các chương trình đào tạo liên tục, chất lượng nhân lực y tế cũng đã cải thiện nhiều.

* Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm (trưởng phòng tổ chức, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai):

Đã có những đầu tư, cải tiến

Đa số bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay đã được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ liên tục được gửi đi đào tạo ở các bệnh viện lớn để nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của y bác sĩ cũng thân thiện hơn bởi các bản cam kết...

Vì vậy, các bệnh viện tuyến tỉnh đã điều trị hầu hết các bệnh thường gặp với những kết quả hết sức khả quan. Dĩ nhiên, đối với các ca bệnh nằm ngoài khả năng của bệnh viện thì sẽ chủ động chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được khám bệnh và chữa trị kịp thời.

Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hiện đã có các trang thiết bị hiện đại như CT scan, MRI, DSA, nội soi, vi phẫu... Đội ngũ y bác sĩ liên tục được gửi lên các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Đại học Y dược, 115, Từ Dũ để đào tạo chuyên môn.

Từ khi Bệnh viện Đồng Nai mới với quy mô 1.400 giường bệnh đưa vào hoạt động, số lượng bệnh nhân đến khám nội trú và ngoại trú đều tăng lên. Điều đó chứng tỏ uy tín và chất lượng của bệnh viện tuyến tỉnh ngày càng được đánh giá cao.

* Bác sĩ Lê Hoàng Quý (phó giám đốc Bệnh viện Q.Bình Thạnh):

Khám bệnh cả ngày lễ, tết

Bệnh viện Q.Bình Thạnh nhận thấy sự phục vụ đối với người bệnh là điều kiện tiên quyết để phát triển bệnh viện. Xuất phát từ nhu cầu của người bệnh, bệnh viện đã bố trí, sắp xếp bộ phận khám ngoài giờ để tiếp nhận bệnh nhân.

Ngay cả trong những ngày lễ, tết... bệnh viện đều sắp xếp cho các y, bác sĩ đi làm để phục vụ người bệnh đến khám, điều trị.

Những ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần bệnh viện đều tổ chức khám bệnh ngoài giờ cho bệnh nhân, kể cả bệnh nhân bảo hiểm y tế, các ngày thường cũng tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ đến 5g30 chiều.

Điều này đã tạo thuận lợi và giúp người bệnh có thói quen đến bệnh viện khám bệnh khi cần. Hiện nay trung bình bệnh viện tiếp nhận 2.000 - 2.400 bệnh nhân đến khám/ngày.

* Bác sĩ Phạm Hữu Quốc (giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp):

Ngồi tại nhà đăng ký khám chữa bệnh

Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Q.Gò Vấp ngày càng tăng. Hiện bệnh viện có khoảng 1.100 - 1.400 bệnh nhân đến khám/ngày. Bên cạnh việc đào tạo, thu hút nhân lực giỏi, mở rộng nhiều hoạt động điều trị, bệnh viện còn áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ bệnh nhân.

Mới đây, ngày 29-10, bệnh viện đã triển khai dịch vụ “xếp hàng thông minh” và “thẻ mã vạch” cho bệnh nhân. Dịch vụ “xếp hàng thông minh” giúp người bệnh ngồi tại nhà hoặc ở bất cứ nơi đâu vẫn có thể đăng ký khám chữa bệnh. Người bệnh chỉ cần gửi tin nhắn, ngay lập tức sẽ nhận được tin nhắn thông báo số thứ tự khám bệnh của mình và số thứ tự đang khám. Chi phí cho tin nhắn này là 1.000 đồng.

Chỉ với 18.000 đồng, các bệnh nhân bảo hiểm y tế có nhu cầu sẽ được cung cấp một thẻ mã vạch với hình ảnh và đầy đủ thông tin chi tiết của người bệnh, nhằm đảm bảo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian chờ đợi, nhanh chóng khi đến đăng ký khám chữa bệnh và tăng cường tốt công tác quản lý.

Thẻ mã vạch này sẽ được sử dụng trong suốt cuộc đời người bệnh. Khi đi khám bệnh, bệnh nhân không cần phải nộp giấy chứng minh nhân dân, không phải chờ đợi xếp hàng cho nhân viên y tế nhập mã số, thời gian chờ đợi được rút ngắn rất nhiều.

* Ông Lê Văn Khảm (vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế):

Phải thông tin về những cải tiến ở tuyến dưới

Dịch vụ y tế là dịch vụ đặc biệt, không chỉ bệnh nhân mà các bác sĩ cũng mong mỏi chất lượng điều trị tốt. Người bệnh có tâm lý lựa chọn tuyến, lựa chọn kỹ thuật cao, chọn cơ sở danh tiếng, nhưng quan niệm này nhiều trường hợp thái quá, thành ra người bệnh vất vả vượt đường sá xa xôi để đến bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM... khám chữa bệnh.

Thực tế là những năm gần đây cơ sở y tế tuyến dưới đã có cải tiến về trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Tôi cho rằng ngoài một số chuyên khoa sâu thì các cơ sở y tế tuyến dưới đều chữa trị hiệu quả được. Vấn đề là phải thông tin đến người dân điều đó.

Mỗi thầy thuốc phải có trách nhiệm đưa những đổi mới đó cho bệnh nhân, cung cấp thông tin cho họ bằng cách gợi mở để bệnh nhân đặt câu hỏi về bệnh trạng của mình, trả lời họ để họ cảm thấy an tâm về chất lượng điều trị.

T.DƯƠNG - L.ANH - 
TH.TÚ - A LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên