Mở đầu cuộc phỏng vấn, ông Lê Như Tiến khẳng định tinh gọn bộ máy là chủ trương hoàn toàn đúng và nhận được sự đồng tình cao của cử tri, nhân dân. Việc này thể hiện chúng ta tiếp tục nhận diện rõ những "điểm nghẽn thể chế" của hệ thống chính trị để thực hiện "cuộc cách mạng" về tinh gọn bộ máy.
Tinh gọn phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cao hơn
* Là đại biểu Quốc hội khóa XII, từng bấm nút thông qua sắp xếp tổ chức bộ máy mới của Chính phủ khi đó, ông đánh giá thế nào về cuộc cách mạng lần này và có điểm gì khác biệt?
- Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII (2007 - 2011), Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới. Trong đó thành lập, bãi bỏ một số bộ, các cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương.
Hợp nhất Ủy ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hóa - Thông tin, đồng thời giao bộ này quản lý Tổng cục Du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Chính phủ đề nghị giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước của ủy ban này sang các bộ khác có liên quan. Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh chức năng nhiệm vụ và đổi tên Bộ Bưu chính - Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau khi thảo luận, Quốc hội khi đó đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ với tỉ lệ ủng hộ cao. Qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định từ khóa XII (2007 - 2011) đến nay với 30 đầu mối gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Đến nay, sau khi nghiên cứu, đánh giá, Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ việc cần thiết phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy. Đồng thời, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, coi đây là "cuộc cách mạng" để đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
* Cùng với Chính phủ, lần này Quốc hội sẽ tiến hành tinh gọn bộ máy, hợp nhất, kết thúc hoạt động một số cơ quan. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Tôi rất ủng hộ phương án đang được đưa ra về việc hợp nhất, kết thúc hoạt động một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chẳng hạn, trước đây Quốc hội có Ủy ban Kinh tế - Ngân sách nhưng sau đó tách ra thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Nếu nhập vào như đề xuất cũng rất hợp lý, có thể trở về tên gọi như cũ là Ủy ban Kinh tế - Ngân sách hay một tên gọi nào đó cho phù hợp.
Hay với Ủy ban Tư pháp được Quốc hội khóa XII đồng ý thành lập trên cơ sở tách ra từ Ủy ban Pháp luật. Nay nếu hợp nhất lại cũng hợp lý bởi cả hai ủy ban Tư pháp và Pháp luật hiện nay có những nét tương đồng, cùng chức năng, nhiệm vụ với nhau.
Còn với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất nhập với Ủy ban Xã hội thì khi còn công tác, tôi từng đi nghiên cứu ở quốc hội nhiều nước thấy rằng họ chỉ có ủy ban văn hóa - xã hội... Việc nhập vào cũng phù hợp, giúp bao quát lại các vấn đề có liên quan, tránh tách quá nhỏ lẻ.
Tuy nhiên như tôi đã nói cũng như với Chính phủ, việc hợp nhất, kết thúc hoạt động các cơ quan của Quốc hội không phải cách làm cơ học mà cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Đồng thời, khi nhập vào phải đạt được mục đích trong việc thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy, biên chế, nhân lực nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả ở các cơ quan của Quốc hội.
Cần nâng số lượng đại biểu chuyên trách
* Nhiều ý kiến cho rằng cũng cần xem xét có nên giữ số lượng không quá 500 đại biểu Quốc hội như hiện nay hay giảm xuống và cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên. Ông nghĩ sao về điều này?
- Hiện nay trong Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Tại Quốc hội khóa XV, từ đầu nhiệm kỳ có 499 đại biểu thuộc các cơ cấu, thành phần khác nhau.
Còn hiện nay, qua nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến, đánh giá nếu thấy cần thiết xem xét giảm số lượng đại biểu Quốc hội cho các khóa tiếp theo nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng thì phải nghiên cứu sửa Luật Tổ chức Quốc hội.
Thực tế, khi còn công tác, tôi đã đi nghiên cứu quốc hội một số nước thấy có những nước dân số tương tự như nước ta nhưng số lượng đại biểu quốc hội của họ không đến 500 người.
Đồng thời, số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách của họ chiếm tỉ lệ lớn.
Thêm vào đó, vừa qua theo thống kê cho thấy có những đại biểu do cơ cấu nên cả nhiệm kỳ ít phát biểu, không có những đóng góp thực sự sắc sảo, mang tính quốc kế dân sinh cho đất nước, Quốc hội.
Nếu như vậy, cũng nên có những nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất tinh giản. Đồng thời, nếu sửa luật không nên ghi rõ con số mà số lượng đại biểu sẽ tùy theo sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của đất nước cũng như cơ cấu, thành phần, ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân để hình thành.
Về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở những nhiệm kỳ trước là khoảng 30 - 40%, còn lại 60 - 70% là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Nhưng theo tôi nên đảo lại thành 60 - 70% là đại biểu chuyên trách, còn 30 - 40% là đại biểu kiêm nhiệm. Khi số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên thì không nhất thiết phải 500 đại biểu.
Cùng với đó, theo phương án nào cũng cần ưu tiên tăng số lượng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nhân thực sự có trình độ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Quốc hội.
Người ở lại phải là tinh túy, đáp ứng sự phát triển
Ông Lê Như Tiến cho rằng quan trọng trong tinh gọn bộ máy là phải thực hiện đồng thời với tinh giản biên chế. Nhưng việc tinh giản này không được làm một cách cơ học theo kiểu hai cơ quan nhập vào nhau và có 10 người thì giảm 5, còn 5 người. Mà phải làm sao có giải pháp, nghiên cứu cụ thể để những người bị giảm là những người không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
"Còn những người ở lại phải là những người tinh túy, có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu công việc, sự phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, ngoài việc nêu cao tinh thần hy sinh cũng phải có các cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, khuyến khích cán bộ tự nguyện, sẵn sàng ra khỏi bộ máy nhường chỗ cho người tốt hơn ở lại", ông Tiến nói.
Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):
Người đứng đầu cần nêu gương
Đây là thời điểm rất phù hợp để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đã gọi là cách mạng thì bao giờ cũng có sự hy sinh. Trong sự hy sinh đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt rất quan trọng của người đứng đầu. Đây chính là tình huống cụ thể để người đứng đầu phát huy và thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Người đứng đầu mà nêu gương, vì lợi ích chung thì sẽ có được niềm tin, sự lan tỏa, đồng thuận rất lớn, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy từ Trung ương xuống địa phương.
Ngược lại nếu người đứng đầu không nêu gương, còn chần chừ, e ngại thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, sự gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Yêu cầu đặt ra khi sáp nhập là vừa phải tinh gọn vừa phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho bộ máy.
Muốn vậy, buộc chúng ta phải rà soát một cách kỹ lưỡng, khoa học, còn nếu sáp nhập cơ học thì có thể gọn nhưng lại không tinh. Mà đã không tinh thì sẽ không hiệu quả.
Chất lượng đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận