23/05/2015 09:33 GMT+7

Cần một không gian tranh luận ở Quốc hội

Đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (TP.HCM) - VIỄN SỰ ghi
Đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (TP.HCM) - VIỄN SỰ ghi

TT - Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã gặp phản ứng từ những người lao động, đối tượng bị điều chỉnh của điều luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - ảnh: Việt Dũng

Đây không phải là lần đầu tiên một điều luật chưa có hiệu lực đã gặp phải phản ứng. Vừa rồi khi tôi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM, nhiều cử tri đã đặt vấn đề phải xem lại cách làm luật của Quốc hội, rằng những người làm luật đã thiếu thực tiễn. 

Có thể đánh giá ấy của cử tri không hoàn toàn đúng với tất cả đại biểu Quốc hội, vì nhiều đại biểu Quốc hội có cả lý luận và thực tiễn. Nhưng điều làm chúng ta phải suy nghĩ là vì sao cử tri nói như thế? Tôi suy nghĩ về điều này rất nhiều và thấy rằng chúng ta cần phải chú ý xem cách chúng ta tác động điều luật đó đã phổ quát chưa, sâu sát chưa? Chúng ta có thật sự muốn lắng nghe hay không? Đó là câu hỏi cần phải được trả lời trong quá trình làm luật.

Là một đại biểu, tham gia quá trình góp ý, xây dựng luật tại Quốc hội, có một điều mà tôi trăn trở bấy lâu nay chính là việc tranh luận khi thảo luận tại Quốc hội. Đây là vấn đề tôi góp ý rất nhiều đến mức tôi không biết mình có bảo thủ không, trình độ của mình có tới hay không. Vì nói hoài đâm ra cũng ngại. Mong muốn của tôi là trước những vấn đề có ý kiến khác nhau, Quốc hội phải tạo ra được không gian tranh luận để những đại biểu có lập luận vững vàng, sát thực tiễn có được cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.

Ở Quốc hội, không phải đại biểu nào cũng giỏi về tất cả lĩnh vực. Có những đại biểu sẽ thiếu thực tiễn về một vấn đề nhất định, có lĩnh vực đại biểu hiểu nhưng chưa kinh qua thực tiễn... Cho nên chính sự tranh luận khi thảo luận một vấn đề nào đó còn ý kiến khác nhau sẽ giúp những người thiếu thực tiễn, chưa trải nghiệm nhiều hoặc còn thiếu trình độ về lĩnh vực đó có điều kiện lắng nghe sự tranh luận, cách giải thích của người khác để am hiểu thêm và lựa chọn chính xác khi biểu quyết. Sự cần thiết của việc tranh luận chính là ở chỗ đó.

Qua những sự việc như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, tôi đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên suy nghĩ điều chỉnh, sửa đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thảo luận ở hội trường. Quốc hội cần mở thời gian tranh luận nhiều hơn nữa, đặc biệt thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và thảo luận các dự án luật. Thậm chí đưa ra một vài nội dung quan trọng, xoáy vào đó. Đồng thời cần phải thay đổi cách biểu quyết thông qua các điều luật. Thực tế có những điều luật còn tranh luận rất nhiều, còn ý kiến khác nhau nhiều thì Quốc hội lại không cho biểu quyết điều luật đó mà lại biểu quyết điều luật khác.

Cử tri, công nhân... có thể không đánh giá được hết trình độ đại biểu. Nhưng họ đã đúng khi phản ảnh một điều luật không sát với thực tiễn cuộc sống, vô lý với đời sống của chính họ. Và chỉ có một không gian tranh luận rộng mở ở Quốc hội thì những tiếng nói đời thường, sát thực tiễn với cuộc sống ấy mới vang vọng được đến nghị trường.

 

Đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (TP.HCM) - VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên