26/05/2017 14:19 GMT+7

Cần minh bạch để dân không đơn phương hành động

DANH QUỐC CƯỜNG
DANH QUỐC CƯỜNG

TTO - Từ câu chuyện “Dân hùn tiền để “chiến đấu” với xáng cạp hút cát” , cần hướng đến việc tạo điều kiện để người dân được tham vấn ngay từ đầu với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường sống của họ.

Ngày 20-5, khi thấy doanh nghiệp cho xáng cạp lấy cát ở khu vực đầu Cồn Cũ, hàng chục nông dân đã thuê đò chạy ra tận nơi xáng cạp đang múc cát để phản đối và yêu cầu dừng khai thác - Ảnh cắt từ clip
Ngày 20-5, khi thấy doanh nghiệp cho xáng cạp lấy cát ở khu vực đầu Cồn Cũ, hàng chục nông dân đã thuê đò chạy ra tận nơi xáng cạp đang múc cát để phản đối và yêu cầu dừng khai thác - Ảnh cắt từ clip

“Còn nhiều lỗ hổng khác cho thấy pháp lệnh 34 không còn phù hợp, đặc biệt đối với Luật đầu tư công năm 2014 và Luật thủy lợi năm 2016. Nếu trung ương không sớm nghiên cứu, hoàn thiện thì rất khó đảm bảo tính công khai, minh bạch trong các loại công trình, dự án liên quan đến cộng đồng. Và như vậy sẽ rất dễ phát sinh tình trạng người dân tự tổ chức “chặn” (có thể đúng hoặc không đúng) tiến độ một dự án hợp pháp

Ông Danh Quốc Cường

Một đoạn video đang lan truyền trên mạng cho thấy có chừng chục người dân ở Cồn Cũ, xã Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) đã thuê phương tiện ra cản ngăn một chiếc sà lan xáng cạp của doanh nghiệp đang khai thác cát giữa sông Tiền.

Ngoài ra, báo chí cũng thông tin người dân ở đây còn tự “hùn tiền để làm kinh phí chiến đấu” với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp được cho là đã được tỉnh cấp phép khai thác cát nhằm thực hiện “dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch rạch Cù Lao Giêng”.

Bài học về minh bạch dự án?

Sự chủ động tham gia của người dân để bảo vệ và phát triển không gian sống của họ là rất cần thiết, được khoa học phát triển cộng đồng ghi nhận. Tuy nhiên, sự tham gia của bà con Cồn Cũ trong trường hợp này lại do bức xúc mà có, chứ không phải tham gia trong một tâm trạng thoải mái, tự nguyện và vui vẻ, do vậy nó không mang ý nghĩa của sự tham gia trong khoa học phát triển.

Nếu việc làm trên của bà con Cồn Cũ được nêu là góp sức cùng chính quyền chống lại cát tặc thì thật là tuyệt vời. Nhưng theo báo chí thì bà con ở đây đang “tuyên chiến” với bất kỳ sà lan nào có hoạt động múc cát dưới đáy sông, bất kể của ai và bất kể mục đích gì. Tất nhiên, cách tổ chức như vậy trở nên bất thường và đáng lo ngại trong xã hội hiện đại. Nó mang bóng dáng của những câu chuyện tự phát vì chính nghĩa.

Thế nhưng từ hành động tự phát của người dân ở đây có thể đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch của dự án này trong quá trình thiết kế, thẩm định và báo cáo tác động môi trường. Ở giai đoạn đó, cơ quan chức năng các cấp đã tham vấn bà con ở Cồn Cũ đầy đủ hay chưa?

Thông thường nếu bà con được tham gia dự án ngay từ đầu, tức trong quá trình xây dựng và thiết kế dự án người dân ven sông được biết, được bàn, được làm, được giải thích rõ ràng... thì rất khó xảy ra câu chuyện đáng tiếc này.

Cần sửa pháp lệnh 34

Để tránh tình trạng người dân thỉnh thoảng đơn phương hành động xuất phát từ việc họ cảm thấy môi trường sống bị ảnh hưởng bởi các dự án, công trình, cần sửa ngay pháp lệnh 34 ngày 6-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ cấp xã, phường, thị trấn.

Có quá nhiều lý do cần sửa đổi, bổ sung văn bản luật quan trọng này. Trước hết, văn bản này đã được ban hành cách đây 10 năm và không còn phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, pháp lệnh 34 khó đáp ứng nguyên tắc “Bảo đảm công khai, công bằng, hiệu quả có sự tham gia của tổ chức, cá nhân... trong quá trình ra quyết định” được quy định tại khoản 5, điều 4 Luật thủy lợi 2016.

Mặc dù pháp lệnh 34 trao cho người dân bốn quyền: quyền được biết, được tham gia ý kiến, được ra quyết định và được giám sát nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ diễn ra ở địa phương, nhưng lại không có quy định chế tài đối với việc thực hiện hay không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm phải công khai, minh bạch (không thực hiện thì bị xử lý thế nào, pháp lệnh không nói rõ).

Bên cạnh đó, pháp lệnh 34 chỉ quy định ba hình thức công khai tại cấp xã gồm: niêm yết, trên truyền thanh cấp xã và thông qua “trưởng thôn”. Quy định như vậy, việc công khai để đối phó thì quá dễ dàng, nhưng để minh bạch thì chưa chắc, nhất là đối với địa bàn cấp ấp quá rộng như ở đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, cần sửa pháp lệnh 34 theo hướng lấp đầy các khoảng trống nêu trên, đồng thời bổ sung hai hình thức công khai gồm tham vấn cộng đồng và đối thoại, cùng với việc quy định cụ thể danh mục công trình, dự án nào cần tham vấn đến mức nào. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, các dự án, công trình can thiệp vào tự nhiên hoặc ảnh hưởng lớn tập quán sống ven sông thì cần phải đưa vào danh mục nêu trên.

DANH QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên