Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt khi một con gà "cõng" 14 loại phí - Ảnh tư liệu: Tự Trung |
Về những vấn đề cụ thể, các đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sự chặt chẽ, dễ hiểu và tính minh bạch, công khai, công bằng trong chính sách thu phí và lệ phí.
Mục tiêu xây dựng luật này phải gắn với chủ trương xã hội hóa, việc cung cấp các dịch vụ công cũng như việc cải cách nền hành chính.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu nhận định cần loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Đặc biệt là những hộ nông dân ở các vùng nông thôn.
“Hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí bất hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội.
Câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và 2 Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn là một minh chứng” - Ông Tuấn nói.
Đại biểu Tuấn đề nghị Luật phí và lệ phí cần phải có một nguyên tắc phân cấp rõ ràng để quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí.
Loại phí nào là do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các bộ, ngành và các bộ, ngành đó được quy định những loại phí nào, còn loại nào do chính quyền địa phương quy định.
Như vậy sẽ dễ dàng thực hiện hơn, vì nếu phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch, dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu từ các loại phí, lệ phí.
Về nguyên tắc thu phí, lệ phí, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đề nghị không nên đặt vấn đề lợi nhuận, bởi vì cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ phục vụ người dân.
“Khi chúng ta chuyển sang giá dịch vụ thì đó là xã hội hóa. Nhưng cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân mà để thu có lợi nhuận, tôi nghĩ lợi nhuận nhiều hay ít thế nào cũng rất khó xác định” - Ông Độ nói.
Dự án Luật phí, lệ phí sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.
Quốc hội sẽ giám sát về xây dựng nông thôn mới Sáng 18-6, với 433/435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 87,88%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Năm 2016 Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp gồm kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối tháng 3-2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đồng thời tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận