22/12/2024 05:44 GMT+7

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm. Việc thực hiện thông tư này phải chờ quyết định về lộ trình kiểm định.

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 1.

Xe máy xả khói gây ô nhiễm môi trường lưu thông trên đường ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các chuyên gia, bạn đọc Tuổi Trẻ cùng góp ý kiến xung quanh việc kiểm định khí thải xe máy theo định kỳ, việc rất cần thiết, vì sức khỏe của người dân.

* TS CHU MẠNH HÙNG (nguyên vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT):

Sớm triển khai đổi xe máy cũ lấy xe mới

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 2.

TS CHU MẠNH HÙNG (nguyên vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT)

Quy định kiểm định khí thải với mô tô, xe máy là chủ trương đúng và đến thời điểm này đã chín muồi, rất cấp thiết để thực hiện. Để thực hiện, nên tính dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe máy là hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích chung cho xã hội, không phải kinh doanh.

Chi phí kiểm định nên tính đủ chi phí trang thiết bị, nhân công, giá thuê nhà xưởng, điện nước để có mức phí hòa vốn cho cơ sở kiểm định. Dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe máy được các cơ sở kinh doanh bảo dưỡng, sửa chữa xe máy thực hiện kết hợp sẽ tương hỗ nhau. Hoạt động này nên được xã hội hóa.

Ngoài giải pháp kiểm định khí thải định kỳ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác để kiểm soát ô nhiễm không khí như phân kỳ, phân vùng, phân cấp để thực hiện.

Vừa qua Hà Nội có chủ trương đổi xe máy cũ lấy xe mới. Đây là chủ trương đúng đắn cần được triển khai sớm. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất xe máy cũng cần có trách nhiệm thu hồi xe máy cũ, sản xuất xe ít gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe.

Các đô thị có mật độ xe lớn nên phân vùng kiểm soát khí thải xe như nhiều nước đã thực hiện từ lâu. Ví dụ vùng 1 chỉ xe có tiêu chuẩn khí thải với Euro 4, 5 hoạt động, xe có mức phát thải cao hơn thì hoạt động ở ngoại vi. Thứ hai, phương tiện phát thải lớn thì phí càng cao để người dân cân nhắc chọn phương tiện phù hợp.

* PGS.TS BÙI THỊ AN (viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng):

Tránh gây phiền hà cho người dân

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 3.

PGS.TS BÙI THỊ AN (viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng)

Kiểm soát khí thải xe máy chỉ là một trong những giải pháp để cải thiện chất lượng không khí nên không được làm cực đoan. Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm không khí cần phải làm nhiều giải pháp trước mắt, lâu dài, đồng bộ.

Thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở một số đô thị lớn đến từ nhiều nguyên nhân. TP Hà Nội đã chỉ ra một số nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí gồm phương tiện giao thông (cả bụi đường), khói từ làng nghề, khói cụm công nghiệp - khu công nghiệp, đốt rác dân sinh và đốt rơm rạ... Ngoài ra còn có yếu tố thời tiết tác động.

Việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết nhưng cần tiến hành ra sao để không phát sinh chi phí, gây phiền hà cho người dân. Cần phải thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu quả. Xử phạt nghiêm để răn đe những xe tải chở đất, vật liệu xây dựng không che chắn, công trình xây dựng gây phát tán bụi và đốt rác thải, rơm rạ tự phát hay những cột khói làng nghề xả thải...

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):

Cần sớm thực hiện

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 4.

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Việc kiểm định khí thải xe máy đã được luật hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc kiểm định này cũng nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo quyết định 888/2022 của Thủ tướng Chính phủ và chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, sạch.

Để thực hiện việc này, Chính phủ, cơ quan chức năng cần phải cân nhắc, nghiên cứu các giải pháp một cách bài bản, căn cơ. Làm sao để triển khai kiểm soát được khí thải xe máy khả thi, hiệu quả nhưng cũng ít ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Các bộ, ngành liên quan cần sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành lộ trình để làm căn cứ thực hiện đồng bộ.

Số lượng xe máy hiện nay rất lớn, cần xã hội hóa việc kiểm định khí thải xe máy. Các hãng xe máy đều có các đại lý cơ sở bảo trì, bảo dưỡng riêng, có thể nghiên cứu để các đơn vị này tham gia kiểm định khí thải (khi có đầy đủ điều kiện, trang thiết bị theo yêu cầu). Cùng với đó, cần có quy định rõ về quy trình, tiêu chuẩn cũng như quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình đăng kiểm.

Song song với việc kiểm soát khí thải xe máy, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng người sử dụng xe máy cũ chủ yếu là người lao động. Do đó các cơ quan chức năng nên có nghiên cứu việc hỗ trợ chi phí để người dân chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường…

* Bác sĩ BÙI ĐẠI LỊCH (giảng viên khoa lao và bệnh phổi, Đại học Y Dược TP.HCM):

Khí thải xe máy cũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 5.

Bác sĩ BÙI ĐẠI LỊCH (giảng viên khoa lao và bệnh phổi, Đại học Y Dược TP.HCM)

Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, tác động xấu tới sức khỏe. Xe máy cũ nát, thải khói đen kịt trên đường trở thành nỗi ám ảnh, dù không trực tiếp gây ra bệnh ngay nhưng sẽ tác động gián tiếp lên sức khỏe của người tiếp xúc trong thời gian lâu dài.

Trong khói xe chứa khá nhiều các chất độc hại cho đường hô hấp, mũi xoang, não bộ, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, ung thư... Chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy xâm nhập vào phổi, thậm chí vào máu sẽ gây ra nhiều vấn đề xấu với sức khỏe. Người hít phải nhiều khói xe có nguy cơ mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, hen suyễn... làm trầm trọng các đợt cấp tính của bệnh.

Những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc với khí thải là trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp mạn tính. Các triệu chứng cấp tính cần lưu ý như: nhức đầu, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh.

Các nơi kiểm định khí thải xe máy như thế nào?

Ở Indonesia, chỉ có thành phố Jakarta yêu cầu xe máy sản xuất trên 3 năm phải được kiểm định khí thải hằng năm, quy định từ năm 2020. Một cảm biến được lắp vào sau pô xe máy để đo mức độ ô nhiễm của khí thải xe. Nếu mức khí thải không vượt quá ngưỡng cho phép, chủ xe sẽ nhận giấy chứng nhận xe đạt chuẩn. Ngược lại, chủ xe phải đưa xe đi bảo dưỡng để giảm lượng khí thải. Chi phí mỗi lần kiểm định khoảng 40.000 rupiah (hơn 62.000 đồng).

Dữ liệu từ cơ quan thống kê Jakarta cho thấy vào năm 2021 thành phố có 21,8 triệu phương tiện cơ giới nhưng chỉ có khoảng 500.000 phương tiện được kiểm tra khí thải. Từ tháng 1-2021, Jakarta ban hành mức phạt cho những ai không tuân theo quy định kiểm định khí thải.

Tại Đài Loan (Trung Quốc) thí điểm kiểm định xe máy ở thành phố Đài Bắc năm 1993 và áp dụng chính thức toàn lãnh thổ năm 2008. Thời gian đầu, Đài Loan yêu cầu kiểm tra định kỳ khí thải xe máy một lần mỗi năm, áp dụng cho những xe được cấp phép từ một năm.

Năm 2008, quy định đã được sửa đổi thành xe máy sản xuất từ 3 năm trở lên phải được kiểm tra khí thải định kỳ. Xe máy không được kiểm tra định kỳ sẽ không được cấp lại giấy đăng ký xe và chủ sở hữu sẽ bị phạt 2.000 Đài tệ (gần 1,6 triệu đồng). Từ năm 2011, xe máy có thời gian sản xuất trên 5 năm mới phải kiểm định khí thải định kỳ hằng năm. Việc kiểm định khí thải được thực hiện miễn phí ở các đại lý xe máy, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp các thiết bị kiểm định.

Chủ xe máy sẽ bị phạt 500 Đài tệ (389.000 đồng) nếu không cho xe kiểm tra chất gây ô nhiễm không khí định kỳ. Không hoàn thành việc kiểm định trong vòng 6 tháng sau khi bị phạt, biển số xe sẽ bị thu hồi.

Tại Ấn Độ, trong quá trình kiểm định khí thải, các chuyên gia sẽ đo lượng khí độc hại. Nếu xe đạt các tiêu chuẩn đề ra, chủ xe sẽ nhận giấy chứng nhận kiểm soát ô nhiễm. Theo quy định, người lái xe phải xuất trình được giấy chứng nhận này khi lưu thông trên đường.

Mỗi lần kiểm định chỉ tốn 50 - 100 rupee (15.000 - 30.000 đồng). Nếu không có giấy chứng nhận kiểm soát ô nhiễm, người lái xe sẽ bị phạt 1.000 rupee (gần 300.000 đồng). Mức phạt là 2.000 rupee nếu tái phạm.

Cần lộ trình xã hội hóa kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 6.TP.HCM làm gì để dân không bỡ ngỡ khi kiểm định khí thải xe máy?

Dù lộ trình kiểm định khí thải xe máy chưa làm ngay từ 1-1-2025, nhưng với gần 8,5 triệu xe máy đang quản lý, TP.HCM sẽ chuẩn bị những gì để người dân không bỡ ngỡ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên