29/10/2007 02:45 GMT+7

Cần liên kết ba "nhà" trong đào tạo!

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Hơn 200 đại biểu đến từ các bộ ngành, trường ĐH và doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đã ngồi lại với nhau hôm qua 28-10 để tìm lối ra trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

CNicO7rt.jpgPhóng to
Tân cử nhân Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học TP.HCM trong ngày tốt nghiệp, mục tiêu của nhà trường là đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp - Ảnh: Quốc Dũng
TT - Hơn 200 đại biểu đến từ các bộ ngành, trường ĐH và doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đã ngồi lại với nhau hôm qua 28-10 để tìm lối ra trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Lý giải về tình trạng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, Phó thủ tướng cho rằng: "Chúng ta đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Đất nước nghèo, khả năng chi phí cho giáo dục, cho nghiên cứu khoa học thấp. Chi phí cho giáo dục, nghiên cứu khoa học thấp thì chất lượng không cao. Người được đào tạo ra có chất lượng không tương xứng với nhu cầu xã hội. Điều đó lại làm đất nước chậm phát triển, dẫn đến không có nhiều kinh phí đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học".

TS Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), đưa ra một thực trạng đã tồn tại trong nhiều năm liền. Đó là nhân lực ở nước ta đang trong tình trạng thừa lao động chưa được đào tạo nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng được đào tạo theo tiêu chuẩn công nghiệp. TS Vinh còn cho biết thêm rất nhiều doanh nghiệp đầu tư tại VN hoặc đổi mới công nghệ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tuyển nhân lực. Hiện tượng "khát" nhân lực có tay nghề diễn ra ở hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Nhu cầu lớn!

Kết quả đánh giá chỉ số nhân lực do một công ty nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng vẫn tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ; tiếp đó là các ngành nghề về du lịch. Ngay trong quí II-2007, nhu cầu lao động của 46/56 ngành nghề đã tăng đáng kể, tập trung vào các ngành nghề đòi hỏi sự chuyên môn và trình độ cao.

Nhu cầu lao động trong quí II tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2006. Bán hàng, kế toán tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hành chính, tiếp thị, quản lý điều hành đều có nhu cầu cần tuyển tăng trên 200%. Trong khi đó, số lượng lao động cung ứng được nhiều người đánh giá là tăng lên đáng kể nhưng thực tế chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Theo khảo sát, nếu nguồn cung tăng khoảng 30% thì nhu cầu nguồn lao động lại tăng đến 142% so với quí trước đó.

Chẳng những thế, vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp là tay nghề của người lao động quá kém. Ông Vũ Duy Nam, tổng giám đốc Công ty may Nhà Bè, than: "Nhân công sau khi tuyển mới phải qua đào tạo từ ba đến sáu tháng mới dám giao việc. Nhưng đó mới chỉ là những việc phụ. Công ty chưa dám giao việc chính".

Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, có đến 50% các công ty về may mặc, hóa chất đánh giá lao động được đào tạo không đáp ứng nhu cầu của mình. Khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng.

Ông Vũ Duy Nam đặt vấn đề cho ngành giáo dục: "Có phải chương trình đào tạo không phù hợp với xã hội hay vì xã hội có quá nhiều vấn đề phát sinh mà các trường không theo kịp?".

Ba "nhà” phải xắn tay áo cùng làm!

Tình trạng lao động không đáp ứng nhu cầu xã hội không phải là chuyện mới. Đáng nói hơn vẫn tiếp tục là vấn đề trong thời gian tới. Bởi theo TS Nguyễn Tiến Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, qua khảo sát ở gần 3.000 doanh nghiệp, có khoảng 53% số doanh nghiệp hiện đang thiếu hụt khoảng 7% số lao động. Với bình quân qui mô khoảng 150 lao động/doanh nghiệp thì bình quân mỗi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm 11 lao động, trong đó có 60% là lao động qua đào tạo nghề, nghĩa là mỗi doanh nghiệp cần 6-7 lao động qua đào tạo nghề.

Hiện tại cả nước có 234.000 doanh nghiệp thì còn tối thiểu 1,4-1,6 triệu lao động qua đào tạo nghề. Trong số lao động kỹ thuật các doanh nghiệp còn thiếu, có nhu cầu tuyển dụng, số lao động qua dạy nghề chiếm gần 55%, còn lại là trình độ trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

Với tốc độ tăng trưởng việc làm như hiện nay, tổng nhu cầu thêm về lao động qua đào tạo nghề đến năm 2010 là 8 triệu, bình quân 1,6 triệu người/năm và đến năm 2015 sẽ là 10 triệu người, bình quân 2 triệu người/năm, trong đó chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp. Với nhu cầu thực tế đã được tính toán, dự báo như vậy liệu các trường có thể đủ sức đáp ứng được?

TS Lê Đăng Doanh cho rằng nếu chỉ có các trường thì không thể làm được. Theo TS Doanh, cần có một sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong tam giác ba "nhà” là Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Và doanh nghiệp phải dành một phần kinh phí của mình cho công tác đào tạo. GS-TSKH Bành Tiến Long, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định các doanh nghiệp cũng phải có thông tin phản hồi cho Nhà nước, cho các trường về nhu cầu của mình.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên