Để làm rõ việc này, xin giới thiệu một số ý kiến của các luật sư.
Phóng to |
Việc thanh tra xây dựng xử phạt người đậu xe vi phạm đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay không ít người bị phạt vẫn chưa rõ có đúng quy định. Trong ảnh: Thanh tra xây dựng Q.1 (TP.HCM) lập biên bản ôtô đậu ở lòng đường Phạm Ngũ Lão, Q.1 (ảnh chụp ngày 13-10-2011) - Ảnh: T.T. |
* Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):
Phạt như vậy là lạm quyền
Thanh tra xây dựng (TTXD) được thành lập trên cơ sở các đội quản lý trật tự đô thị trước đây của các quận huyện. Theo quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ (về thí điểm thành lập TTXD quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM) và quyết định 133 của UBND TP.HCM (hướng dẫn thực hiện quyết định 89), TTXD chỉ tham gia trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị.
Cả hai quyết định trên đều không đề cập đến việc TTXD được phát hiện, lập biên bản xử lý về giao thông và lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, theo quy định tại nghị định 34 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).
Cùng một vấn đề, nếu có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau thì nguyên tắc phải áp dụng văn bản chuyên ngành, cụ thể việc xử phạt lòng đường phải căn cứ theo Luật giao thông đường bộ và nghị định 34.
Quyết định 133 của UBND TP có đề cập: TTXD giúp UBND quận, huyện kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản tổ chức, cá nhân nếu vi phạm về trật tự lòng lề đường. Nếu hiểu trật tự lòng lề đường ở đây là TTXD được quyền xử phạt xe đậu lòng đường là không phù hợp. TTXD chỉ được lập biên bản những trường hợp buôn bán ở lòng đường, vi phạm trật tự đô thị, còn xử phạt cả xe đậu vỉa hè, lòng đường là lạm quyền, làm luôn nhiệm vụ của cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông.
* Luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Người dân có thể kiện
Theo quyết định 89 của Chính phủ ban hành ngày 18-6-2007: TTXD cấp quận có quyền thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng và xử lý, đề xuất xử lý về trật tự xây dựng theo thẩm quyền. TTXD phường lập biên bản vi phạm về xây dựng trên địa bàn, xử lý các hành vi xây không phép, sai phép. Còn theo quyết định 133 của UBND TP ban hành ngày 23-11-2007, ngoài các nhiệm vụ trên, TTXD giúp chủ tịch UBND phường xã, UBND quận huyện kiểm tra, lập biên bản vi phạm về vệ sinh môi trường, về lòng lề đường, nơi công cộng. |
Theo quy định, người có thẩm quyền lập biên bản, ra quyết định xử phạt phải giải thích cho người vi phạm hiểu rõ những hành vi sai phạm của họ, để họ chấp hành, không có quyền ép buộc người vi phạm phải ký vào biên bản.
Trường hợp người lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai quy định thì quyết định đó không có giá trị về mặt pháp lý, và người bị xử phạt có thể khởi kiện đối với người ra quyết định sai đó.
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Làm rõ quyết định 133
Theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, người có thẩm quyền (đang thi hành công vụ) phải kịp thời lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt. Trường hợp mức phạt vượt thẩm quyền thì chuyển biên bản vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Điều này có nghĩa là người xử phạt vi phạm hành chính mới được lập biên bản vi phạm hành chính.
Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, lòng, lề đường là tuyến giao thông dành cho xe cộ và người đi bộ. Nếu xe cộ hay vật dụng nào đó chắn ở lòng, lề đường được hiểu là gây cản trở giao thông và cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông mới được xử phạt theo nghị định 34 của Chính phủ.
Quyết định 133 của UBND TP.HCM quy định TTXD được lập biên bản đối với người vi phạm trật tự lòng, lề đường. Theo tôi, UBND TP cần làm rõ TTXD được lập biên bản với trường hợp nào, tránh tình trạng TTXD hiểu nhầm, dẫn đến việc xử phạt trùng lắp, gây bức xúc cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận