02/07/2014 13:06 GMT+7

Cần làm rõ những lùm xùm quanh chương trình tích hợp

QUỐC THANH - VĨNH HÀ ghi
QUỐC THANH - VĨNH HÀ ghi

TT - Ngay sau Tuổi Trẻ làm sáng tỏ việc không hề có thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục Anh và Sở GD-ĐT TP.HCM về chương trình tích hợp, nhiều người có trách nhiệm và chuyên gia đã lên tiếng.

rzRVzk9m.jpgPhóng toTiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TP.HCM - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

* Đại biểu HUỲNH CÔNG HÙNG (trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM):

Chủ trương dạy ngoại ngữ gắn với chương trình tích hợp nếu có nhu cầu và kế hoạch, đề án cụ thể thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhất là đối với đô thị lớn như TP.HCM.

Còn việc triển khai như thế nào thì đó là kế hoạch cụ thể của UBND TP và ngành chuyên môn.

Theo tôi, đã thí điểm thì càng phải cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng, chứ không phải thí điểm làm nửa vời rồi bỏ thì hậu quả nhiều khi chúng ta khắc phục không được, đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục, có liên quan đến những người trẻ.

Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo chi tiết nội dung giữa hai vấn đề còn chưa rõ ràng với lãnh đạo Ban văn hóa - xã hội HĐND TP (như Tuổi Trẻ đã thông tin ngày 1-7).

Trên cơ sở thông tin đó, nếu nội dung nào chưa rõ thì sẽ tiếp tục có yêu cầu giải trình chi tiết để làm rõ vấn đề.

* Ông VÕ VĂN SEN (đại biểu HĐND TP.HCM):

Sở GD-ĐT TP.HCM không nên im lặng

Theo tôi, Sở GD-ĐT TP nên có trả lời, phản hồi ý kiến “bằng giấy trắng mực đen” của tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM. Tôi cho rằng hay nhất là Sở GD-ĐT TP có văn bản phản hồi hoặc người có đủ thẩm quyền phát ngôn.

Sở cần giải thích rõ vì sao trước đây nói như vậy và cho đến nay lại có mâu thuẫn với thông tin từ tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM. Sở không nên im lặng trước vấn đề này.

GS Nguyễn Lộc, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam:

Bộ phải thẩm định chương trình

“Trong bối cảnh việc triển khai đề án dạy học ngoại ngữ cấp quốc gia đang gặp khó khăn, nhiều tỉnh mới chỉ mua thiết bị đã dùng hết tiền ngân sách thì những địa phương chủ động xây dựng đề án dạy học ngoại ngữ, cao hơn là dạy các môn học bằng ngoại ngữ cần được khuyến khích” - GS Nguyễn Lộc, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chia sẻ.

Theo GS Lộc, chương trình tích hợp của TP.HCM dự kiến triển khai có khả năng giải quyết được hai vấn đề, thứ nhất là giảm tải cho học sinh, thứ hai là tránh việc đầu ra (kiểm tra đánh giá) dồn cả vào hệ thống kiểm định Cambridge, mà phụ huynh, nhà trường có thể lựa chọn các hệ thống kiểm định khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Sở GD-ĐT TP.HCM và đơn vị phối hợp phải có trách nhiệm thông tin, giải thích rõ ràng cho phụ huynh, học sinh.

* Ở đây, Sở GD-ĐT TP.HCM và EMG đã thông tin cho người học về chương trình tích hợp giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết trong cuộc họp báo đã làm việc với Bộ Giáo dục Anh, nhưng mới đây tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM phủ nhận việc này, GS có bình luận gì?

- Tôi chưa kiểm chứng lại thông tin này nên chưa thể trả lời về việc này được. Nhưng về nguyên tắc, Sở GD-ĐT TP.HCM phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng và thuyết phục đối với phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội về những việc đã thông báo liên quan tới chương trình, nhất là khi có những thông tin trái ngược.

Nhưng theo tôi được biết, chương trình về phía Anh được sử dụng tích hợp với chương trình của Việt Nam mà phía TP.HCM sẽ triển khai là chương trình cung cấp miễn phí, ai sử dụng cũng được.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục cũng đang sử dụng những chương trình tiếng Anh tăng cường của Canada, Tây Úc hoặc của các tổ chức khác nhau tại Anh.

Những đơn vị cung cấp chương trình không cần quan tâm người ta sử dụng, dạy học thế nào, nhưng để được cấp chứng chỉ thì phải được các tổ chức kiểm định (do các trường, người học chọn) kiểm tra, công nhận.

* Nhưng đây là chương trình nằm trong đề án do Bộ GD-ĐT cho phép về chủ trương, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai trên diện rộng, chứ không phải chương trình liên kết của các tổ chức giáo dục với các trường học cụ thể. Ở trường hợp cụ thể như thế này, cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định chương trình? Vì nếu thả nổi, chất lượng không đảm bảo và không tương xứng với học phí thì người học sẽ bị thiệt thòi.

- Đúng bài bản thì một chương trình như vậy Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm thẩm định. Bộ có thể mời thêm chuyên gia quốc tế vào cùng thẩm định để tránh việc áp dụng chương trình kém chất lượng, không phù hợp với người học ở Việt Nam.

* PGS VĂN NHƯ CƯƠNG:

Không thể lấy con người ra làm thí nghiệm

Một chương trình dự kiến triển khai trong 10 năm (chương trình Cambridge - PV) nhưng mới hơn hai năm phải ngừng, liệu người học có thể tin vào một chương trình mới chưa qua thí điểm mà tiến hành thực nghiệm luôn không? Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng “thời gian sẽ trả lời” về chất lượng.

Tôi thấy cách trả lời này cũng không ổn. Trong lĩnh vực giáo dục, không thể lấy con người ra làm thí nghiệm rồi chờ thời gian trả lời là tốt hay xấu mà phải thí điểm, rút kinh nghiệm và áp dụng khi có thể tin cậy vào chất lượng.

Việc Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM “đi trước” hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện với một chương trình chưa qua thí điểm như trên cũng là vấn đề cần phải bàn một cách nghiêm túc.

Nếu sau TP.HCM, mỗi địa phương lại thực hiện một chương trình của Nga, Úc, Mỹ, Anh khác nhưng không được thẩm định, chưa khẳng định được về chất lượng thì mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện sẽ đi về đâu?

Trong việc này dứt khoát Bộ GD-ĐT phải có ý kiến, chứ không thể đồng ý về chủ trương rồi để địa phương làm gì thì làm.

QUỐC THANH - VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên