Theo các chuyên gia, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non có nhiều điểm tích cực nhằm tạo sự công bằng và lập lại trật tự trong tuyển sinh. Tuy nhiên dự thảo vẫn còn một số nội dung gây băn khoăn, lo lắng cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
"Không có phương thức xét tuyển sớm"
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua dư luận nhiều lần đề cập băn khoăn với việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Để khắc phục những bất cập trên, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Liên quan việc này, bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là hai chuyện khác nhau. Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của bộ.
Trong khi đó các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi.
"Không có phương thức nào được gọi là "phương thức xét tuyển sớm" cả, vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển", bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Thủy nhận định do hiểu nhầm rằng chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển "riêng" (không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn 20% chỉ tiêu. Cũng vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
"Thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Từ hai năm nay bộ cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Như vậy dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường", bà Thủy khẳng định.
Vẫn lo ngại
Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông cáo giải thích rõ dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, tuy nhiên thí sinh, phụ huynh và cả các trường vẫn lo ngại với việc bộ dự kiến siết xét tuyển sớm. Trong đó đặc biệt các thí sinh đã tập trung ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá năng lực và đã đầu tư thi các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển đại học hiện đang rất lo lắng nếu bộ siết xét tuyển sớm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một trường đại học tư thục ở TP.HCM băn khoăn: "Hiện mọi người đều nghĩ bộ dự kiến khống chế 20% chỉ tiêu cho tất cả các phương thức xét tuyển sớm. Nếu cho rằng không có phương thức nào được gọi là "phương thức xét tuyển sớm" thì việc bộ đưa ra quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu để làm gì?
Với cách giải thích này, các trường có thể tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng không xét tuyển sớm (về mặt thời gian) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chờ xét cùng với đợt xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo được không? Lúc đó các trường xác định tỉ lệ 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm theo yêu cầu của bộ thế nào?".
Trên thực tế hai năm qua với xét tuyển sớm các trường đại học tổ chức xét nhiều đợt trước và cả sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng xét tuyển chung đợt 1 trên hệ thống chung của bộ xong thường là hết nguồn tuyển. Các đợt xét tuyển bổ sung chỉ có các trường tư (còn chỉ tiêu) và ở các trường công (vài ngành khó tuyển).
Trưởng phòng tuyển sinh của một trường đại học công lập cho hay: "Lâu nay xét tuyển sớm đang được hiểu là các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT (xét trước đợt xét tuyển chung của bộ).
Thực tế mấy năm qua các trường có rất nhiều phương thức xét tuyển sớm: tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; xét điểm thi đánh giá năng lực; xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế IELTS; xét kết quả kỳ thi SAT quốc tế… Do vậy nếu không xét tuyển sớm quá 20%, các trường dành 80% chỉ tiêu còn lại phải xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Điều này sẽ khiến điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm, đặc biệt là điểm bài thi đánh giá năng lực lên cao chót vót, làm ảnh hưởng đến thí sinh đã có kế hoạch ôn luyện chọn phương thức này".
Nên xem lại cơ sở khoa học
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại cơ sở khoa học của việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
"Tuyển sinh là việc của các trường đại học được quy định theo luật, do đó bộ không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỉ lệ khống chế nếu các phương thức khác của các trường trên thực tế tuyển được các em sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt. Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để "vơ vét" người học.
Nên đề xuất quy định chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức và không thay đổi, điều chỉnh giữa các phương thức. Chỉ tiêu theo từng phương thức xây dựng theo tỉ lệ sinh viên giỏi đầu vào, cũng như tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn của chương trình đào tạo, và do thủ trưởng chịu trách nhiệm giải trình", ông Đức nói
Giải pháp khắc phục bất cập trong tuyển sinh
Đại diện một số trường đại học kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ khái niệm xét tuyển sớm tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường; hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh đều chưa tốt nghiệp THPT khi tham gia xét tuyển sớm.
Về giải pháp để khắc phục những bất cập trong tuyển sinh đại học hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng bộ chỉ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để "vơ vét" người học.
Bộ cần có quy định cơ sở đào tạo cần có tỉ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng khó khăn trong điều kiện tham gia dự thi các kỳ thi riêng của trường tổ chức; cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp "lạ".
Đồng thời bộ cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau.
Trên cơ sở đó có thể kiểm soát chất lượng các phương thức xét tuyển và loại bỏ những phương thức không bảo đảm chất lượng với ngành đào tạo và lý giải các tổ hợp xét tuyển bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập ở bậc đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận