14/11/2013 15:49 GMT+7

Cần làm rõ bất thường trong việc ông Chấn ký nhận tội

 VƯƠNG VĂN NGHĨA (Thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM)
 VƯƠNG VĂN NGHĨA (Thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM)

TTO - Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận án tù chung thân về tội giết người trong khi ông không phải là hung thủ thật sự của vụ án đã gây chấn động ngành tư pháp.

Y0ajtdIB.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa) bên gia đình ngày được trả tự do sau hơn 10 năm bị tù oan

Không chỉ cơ quan điều tra, viện kiểm sát mà cả ngành tòa án cũng thấy đó là “cái tát” không thể quên.

Điều dư luận bức xúc hơn trong vụ án này là việc ông Chấn được minh oan không phải là do cơ quan tiến hành tố tụng tự phát hiện cái sai của mình qua quá trình kiểm tra, giám sát mà là do hung thủ thật sự đã ra đầu thú. Điều này cũng đồng nghĩa cơ chế tự phát hiện, kiểm tra giám sát đối với quá trình tố tụng của vụ án này đã bị “vô hiệu hóa”.

Sai phạm nghiêm trọng không được phát hiện

Theo Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) của Việt Nam, vụ án qua hai cấp xét xử là sơ thẩm (bản án chưa có hiệu lực ngay, còn được quyền kháng cáo, kháng nghị) và phúc thẩm (bản án có hiệu lực thi hành ngay). Nhưng nếu lỡ cả hai cấp tòa đều có sai sót thì sao? Để sửa sai cho những bản án đã có hiệu lực thi hành nhưng bị phát hiện là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, luật quy định thêm thủ tục giám đốc thẩm.

Bên cạnh đó, bản án đã thi hành cũng có thể được xem xét lại theo trình tự tái thẩm. Khác với thủ tục giám đốc thẩm (xử lại bản án đã có hiệu lực khi phát hiện bản án này vi phạm nghiêm trọng), tái thẩm được áp dụng trong trường hợp sau khi bản án đã có hiệu lực thi hành thì phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án (tình tiết này tòa án không thể biết được khi xét xử trước đó).

Việc nghi can Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, thừa nhận giết người được Viện KSND tối cao xem là tình tiết mới (mà tòa án không biết được khi xét xử trước đó) để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với ông Chấn thì thấy tình tiết Chung nhận tội giết người có mới nhưng việc ông Chấn kêu oan, cho rằng ông bị ép cung nên phải ký nhận tội thì không mới.

Vì sao suốt hơn 10 năm qua, đơn kêu oan (chính xác là kêu cứu) của ông Chấn và gia đình bị các cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm bỏ qua? Việc xét xử, kết án một người trong khi họ không phải là hung thủ chính là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thậm chí khi tòa phúc thẩm đã kết án tù chung thân ông Nguyễn Thanh Chấn, bản án đã được thi hành thì ông và gia đình vẫn không ngừng kêu oan, gửi đơn đi nhiều nơi nữa nhưng vẫn không được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Mâu thuẫn về chứng cứ: chìa khóa phát hiện oan sai

Trở lại quá trình điều tra, truy tố và xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn, chắc hẳn những điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã giải quyết vụ án của ông Chấn đều không có thù hằn, ghét bỏ ông đến nỗi cố tình gây oan sai cho ông để trả thù. Vấn đề ở đây chính là năng lực, đánh giá, nhận định chủ quan của những người tiến hành tố tụng trong vụ án.

Những dấu vết hiện trường, thông tin liên quan ban đầu về vụ giết người có thể đã trùng hợp tình cờ với ông Chấn, khiến cơ quan điều tra tập trung nghi vấn vào ông. Rồi cứ với mặc định chủ quan đó mà vụ án được điều tra theo hướng ông Chấn là nghi phạm.

Cũng không loại trừ trong quá trình tố tụng có người đã nhận ra những bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội ông Chấn nhưng không dũng cảm thừa nhận cái sai của mình, vì sợ trách nhiệm bồi thường oan sai nên đẩy vụ việc xa thêm một bước nữa.

Cơ quan điều tra cũng đang phải quay lại quá trình tố tụng của vụ án này để làm rõ có hay không những sai phạm, xâm phạm hoạt động tư pháp (như bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án…).

Dù chưa khẳng định có hay không những vi phạm trên nhưng ai cũng có thể nhận thấy điều bất thường là vì sao ông Chấn không giết người mà lại ký vào bản cung nhận tội giết người?

Điều thường thấy trong các vụ án oan sai là dù bị cáo có ký tên vào bản cung nhận tội nhưng do thật sự họ không phải là hung thủ nên trong lời khai chỗ này chỗ khác chắc chắn sẽ có sự mâu thuẫn. Bởi sự mâu thuẫn, bất nhất chính là phương pháp người ta thường dùng để kiểm tra nói dối.

Ra trước tòa, đứng trước hội đồng xét xử công khai, thường bị cáo nào bị ép cung trong quá trình điều tra sẽ phản cung. Nếu hội đồng xét xử giữ đúng vị trí khách quan của mình hơn, không có mặc định rằng cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã làm đúng hay mặc định rằng người phạm tội thường phản cung vì cố tình tìm cách chối tội thì tòa sẽ không bỏ qua những chi tiết mâu thuẫn đó. Nhiều mâu thuẫn dù rất nhỏ trong lời khai của bị cáo tại các bản cung nhưng đôi khi lại là chìa khóa để hội đồng xét xử khẳng định niềm tin nội tâm của mình đối với việc kết luận bị cáo có tội hay không.

Song song với quá trình điều tra vụ án “giết người” và “cướp tài sản” đối với Lý Nguyễn Chung, cơ quan tố tụng cần sớm xem xét, khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để làm rõ có sai phạm của những người tiến hành tố tụng trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn hay không.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, khung hình phạt cao nhất đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án…) đều có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.

Theo quy định thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trên chỉ là 10 năm kể từ ngày hành vi phạm tội xảy ra. Vì thế nếu chậm khởi tố, chẳng hạn quá trình điều tra phát hiện có các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử oan sai ông Chấn đến mức phải xử lý hình sự thì cũng đã hết thời hiệu khởi tố.

 VƯƠNG VĂN NGHĨA (Thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên