Hình thành "siêu" cảng biển ở TP.HCM
Theo ông Huỳnh Văn Cường - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, hiện nay đơn vị này phối hợp cùng Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam VIMC nghiên cứu, đề xuất dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu bến Cần Giờ.
Các đơn vị cố gắng trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND TP.HCM trong quý 1-2023. Đồng thời mong muốn triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 cảng trung chuyển này vào năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027.
Ông Cường cho biết dự án sẽ có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua 10 - 15 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD.
Trình bày cụ thể hơn về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast, chia sẻ cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus).
Ngoài ra, công suất tối đa là 16,9 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).
Ông Tuấn nhấn mạnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành được kỳ vọng giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển.
Đặc biệt, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển...
Quan trọng nhất, cảng trung chuyển quốc tế thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong...
Mô hình cảng xanh và tự động
Cũng theo ông Tuấn, cảng được xây dựng trên nền tảng cảng chuyên nghiệp, đảm bảo mô hình xanh và tự động hóa.
Trước câu hỏi cảng trung chuyển Cần Giờ có tác động đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không, ông Tuấn phân tích: khu vực cảng thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Do nằm trong vùng chuyển tiếp trên hai cù lao cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu nên khá biệt lập, ít ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đây là cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối sẽ giảm tác động đến môi trường.
"Ngoài ra trong quá trình thực hiện, các đơn vị xây dựng đánh giá tác động môi trường, có tham vấn, báo cáo UNESCO để tìm ra những giải pháp xây dựng, vận hành giảm thiểu tối đa các tác động", ông nói.
Phát biểu góp ý tại buổi hội thảo, TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ rất cần thiết và phải làm ngay. Cảng này không cạnh tranh, mà bổ sung và cùng khai thác hiệu quả vận tải biển ở toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, cảng này hiện chưa có trong quy hoạch cụm cảng số 4 cần đưa vào quy hoạch trước. Quá trình triển khai, các đơn vị cũng cần tính toán hai vấn đề lớn là hạ tầng giao thông ra vào cảng và đánh giá tác động đến sinh quyển Cần Giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận