Khách du lịch nước ngoài tham gia vớt rác ở đảo Cô Tô - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Để cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" thành công, theo tôi cũng cần hiệu ứng đám đông.
Người nước ngoài tham gia dọn rác ở Việt Nam, những đội thanh niên tình nguyện chung tay làm sạch bãi biển là hình ảnh đẹp nói lên ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Những hoạt động có ý nghĩa như thế rất đáng được trân trọng trong khi có nhiều người vô tư xả rác làm hủy hoại môi trường.
Trong chúng ta, không ít người vẫn còn thờ ơ hay vô tư với trách nhiệm giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp. Có nhiều lý do được đưa ra nhưng chung quy lại là: Ai cũng thế thì mình cũng thế! Một người bạn của tôi kể rằng khi ra nước ngoài, anh ấy rất chú ý đến việc bảo vệ môi trường mà những điều cơ bản nhất là bỏ rác đúng nơi quy định và tự phân loại rác. Tuy nhiên ở Việt Nam thì những hành động này bị xem là "rảnh"!
Xa hơn TP.HCM, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang… là những địa danh đang mất dần đi ý nghĩa chân phương về thiên nhiên trong lành vốn có của mình. Tạo hóa là trời cho, nếu không lo gìn giữ thì có ngày mang họa. Những nỗ lực bảo vệ môi trường quá nhỏ bé so với sự tàn phá khủng khiếp của con người. Hay nói đúng hơn là thiên nhiên đang chịu sự đối xử thô bạo và thiếu văn hóa do chính con người gây ra.
Để thói quen ý thức trong việc bảo vệ môi trường được lan tỏa sâu và rộng hơn, cần lắm những hiệu ứng đám đông tích cực chung tay vì cuộc sống xanh. Ở đó, ý thức của mỗi người chúng ta quyết định đến hành động đẹp có ý nghĩa chứ không phải là những khẩu hiệu suông hay những hoạt động tự phát theo trào lưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận