Chiều 5-7, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại ở TP.
Khởi tố chủ đầu tư cố tình thế chấp được không?
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP hiện có 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng, trong đó có 41/60 dự án thế chấp từ năm 2016 - 2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 - 2011 đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận.
Nhiều đại biểu HĐND chất vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc kiểm soát khi tiếp nhận hồ sơ xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án có thế chấp.
Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo chỉ ra có trường hợp dự án người mua nhà đã đóng tiền mua mà chủ đầu tư vẫn cố tình mang đi thế chấp dù không được sự đồng ý của người mua nhà. "Trường hợp này cơ quan công an có khởi tố được không? TP có giải pháp ngăn chặn thế nào?", đại biểu Thảo hỏi.
Giải trình nội dung này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho hay từ thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành (năm 2015) đã quy định rõ dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng ra văn bản xác nhận đủ điều kiện mở bán thì chủ đầu tư mới ký kết hợp đồng bán cho khách hàng.
Đối với dự án thế chấp thì chỉ được bán khi có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng hoặc khách hàng mua nhà. Trong trường hợp này, Sở Xây dựng sẽ ghi vào văn bản xác nhận là dự án có thế chấp để người mua nhà biết và cân nhắc.
"Trường hợp chủ đầu tư cố tình bán nhà đang thế chấp cho khách hàng hoặc nhà đã bán vẫn mang thế chấp mà không được sự đồng ý của bên mua thì vi phạm pháp luật hình sự", ông Khiết khẳng định.
Về việc xử lý hành vi trên của chủ đầu tư, đại tá Trần Thị Kim Lý, chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, cho rằng có thể xem xét trách nhiệm hình sự của chủ đầu tư.
"Tuy nhiên, cơ quan công an phải căn cứ quy định để xác định ý thức chủ quan của chủ đầu tư khi đã bán nhà cho khách mà vẫn mang tài sản đó đi thế chấp, xem xét dự án có đủ điều kiện mở bán hay không, nội dung thỏa thuận cụ thể giữa khách hàng và chủ đầu tư, làm rõ phạm vi tài sản mang thế chấp là toàn bộ hay một phần dự án, khả năng tài chính của chủ đầu tư…", bà Lý nêu.
Cần cơ quan chủ trì theo dõi việc cấp sổ hồng dự án nhà ở thương mại
Phát biểu kết luận về phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP, đề nghị UBND TP phân công cơ quan chủ trì trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại nói chung và công tác cấp sổ hồng đối với các dự án này nói riêng, kể từ khi dự án được cấp phép đầu tư xây dựng đến khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và cấp sổ hồng.
Đối với nhóm dự án có thế chấp, bà Lệ đề nghị UBND TP rà soát kỹ, xác định nội dung giải chấp/không giải chấp trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của Sở Xây dựng, xác định trách nhiệm của các bên liên quan (chủ đầu tư, bên mua, bên nhận thế chấp, cơ quan ban hành văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán). Trên cơ sở rà soát, có hướng giải quyết cụ thể đối với từng dự án có thế chấp tại tổ chức tín dụng. Thời gian thực hiện việc rà soát này chậm nhất là quý 3-2023.
Đối với tổng thể các giải pháp giải quyết việc cấp sổ hồng cho các dự án tại phiên giải trình của HĐND TP hôm nay, bà Lệ đề nghị UBND TP tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về thường trực HĐND TP trước ngày 30-12-2023 để các đại biểu và cử tri TP giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận