Đây là những ý kiến được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đưa ra tại buổi tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 30-3.
Theo các đại biểu, không chỉ giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần xem xét giãn, hoãn nợ và linh hoạt hơn trong chính sách cho vay để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh.
Khó tiếp cận vốn, lãi vay quá cao
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA) - cho biết theo khảo sát của HUBA, các ngành sản xuất chủ lực đều sụt giảm xuất khẩu. Chẳng hạn, xuất khẩu thủy sản giảm 30%, ngành gỗ giảm 40%... Trong khi đó, bất động sản "đóng băng" khiến sản xuất sắt thép, xi măng đều gặp khó, hoạt động kinh doanh dường như khựng lại...
Theo ông Hòa, các DN đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Trong đó, nhiều DN không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà vay để cầm cự.
Do vậy, ngành ngân hàng cần có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất để DN có cơ hội vay vốn duy trì hoạt động. "Với lãi suất trên 10%, không có DN nào dám vay, chưa kể các điều kiện về tài sản thế chấp cũng đang làm khó các DN", ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, DN phát triển nhờ vốn vay ngân hàng, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của TP.HCM. Nguồn vốn vay ngân hàng còn phải đổ vào nhiều đầu việc khác như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị...
"Đối với ngành sản xuất, làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. Đặc biệt, để kiếm ra được đồng lãi trả lãi 10% trở lên là điều không thể vì DN không làm ra sản phẩm bán lời tới 20 - 30%. Bên cạnh đó, DN còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc", ông Trí cho biết thêm.
Theo ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, nếu quản lý tốt thì DN sản xuất chỉ lãi ròng khoảng 6-7%, không đủ để trả lãi vay.
Do đó, ngoài đề nghị giảm lãi suất cho vay, ông Lâm hy vọng các ngân hàng cân nhắc cho vay dựa trên hợp đồng DN thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cho biết nhiều DN ngành dệt may đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đến hạn nhưng không có dòng tiền trả nợ. Nếu không có các cơ chế xử lý, DN sẽ bị rơi vào nhóm nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Do đó, ngành ngân hàng cần có các chính sách linh hoạt để hỗ trợ DN, đặc biệt là giữ nguyên nhóm nợ. "Trong bối cảnh đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt hơn về điều kiện cho vay. Nếu vẫn giữ như trong bối cảnh bình thường, DN sẽ gặp khó trong tiếp cận vốn", ông Việt nói.
Không nhất thiết phải cầm cố tài sản?
Trả lời các DN, ông Trần Hoài Phương - giám đốc khối khách hàng DN của HDBank - cho biết trong quá trình thẩm định, tài sản đảm bảo là yếu tố để ngân hàng quyết định cho vay vì liên quan đến việc bảo vệ nguồn vốn, quyền lợi cổ đông, tuân thủ quy định... Dù vậy, theo ông Phương, ngân hàng cũng có nhiều phương án cấp tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo.
"Chúng tôi cung cấp tín dụng, muốn thấy phương án tạo dòng tiền như thế nào, trên cơ sở đó mới cấp vốn vay, tài sản cứng là phần quan trọng nhưng không phải tất cả", ông Phương nói và cho biết ngân hàng này cũng cấp tín dụng cho khách hàng dựa trên việc thẩm định dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng...
Ông Hoàng Trọng Hiếu - giám đốc cao cấp kinh doanh Techcombank - cũng cho biết ngay từ đầu năm ngân hàng này đã tung ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi tới 2% cho khách hàng DN. "Không những về lãi suất mà còn phải điều chỉnh các thủ tục, giảm thiểu thời gian để DN tiếp cận vốn", ông Hiếu khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi do các ngân hàng thương mại đăng ký, với quy mô hiện nay là 453.000 tỉ đồng, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn với lãi suất tốt hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu như xử lý nhanh các thủ tục vay vốn, đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho DN, duy trì ổn định tăng trưởng.
Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ duy trì đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho DN. Với những phản ánh khó khăn vướng mắc của DN cũng như kiến nghị tại tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức, sẽ có cuộc họp ba bên gồm Ngân hàng Nhà nước - tổ chức tín dụng cho vay - DN để tháo gỡ khó khăn. "Nếu khó khăn thuộc về hành chính, con người, mang tính thủ tục thì sẽ tháo gỡ. Còn khó khăn về chính sách sẽ kiến nghị sửa đổi", ông Lệnh nói.
Cũng theo ông Lệnh, ngân hàng cho vay theo quy định pháp luật, DN đủ điều kiện tín dụng hoàn toàn có thể tiếp cận được vốn vay. Cho vay với điều kiện thế chấp tài sản đảm bảo hoặc không là quyền của tổ chức tín dụng, trên cơ sở đánh giá điều kiện tín dụng niềm tin, dòng tiền, khả năng trả nợ... của khách hàng. "Nếu cho vay tín chấp, niềm tin rất lớn, mấu chốt là DN phải có tài chính minh bạch và hoạt động hiệu quả", ông Lệnh nhấn mạnh.
* Ông Nguyễn Đình Tùng (tổng giám đốc Công ty Vina T&T):
Nông dân có đất mà thiếu tiền đầu tư
Khó khăn của nông dân tham gia chuỗi liên kết là việc vay vốn ngân hàng.
Trong thực tế, nông dân đã đổ vốn vào nông nghiệp, cây trồng dài hạn rất lớn nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách để định giá được tài sản trên đất bởi khi đã trồng cây xuống đất 1-2 năm, đã ra lứa trái cây đầu tiên sẽ mang lại doanh thu.
Đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư, trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được.
* Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ):
Đề nghị được hoãn trả nợ gốc
Ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá bán thấp hơn giá thành, nhưng người chăn nuôi khó tiếp cận được vốn tín dụng.
Cụ thể, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng đem thế chấp lại bị ngân hàng định giá theo khung nhà nước rất thấp nên khoản vay không được bao nhiêu so với giá trị tài sản thế chấp cũng như nhu cầu đầu tư.
Theo tôi, ngân hàng nên cho vay với tài sản hình thành trong tương lai (công nghệ máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn) để người chăn nuôi có vốn đầu tư để đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, với các khoản vay cũ, đề nghị ngân hàng xem xét cho nông dân trả lãi trước và chậm trả gốc vì thực tế chỉ là vấn đề sổ sách, còn tài sản đảm bảo thì ngân hàng vẫn đang giữ.
Vốn dồi dào, khuyến khích cho vay
Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - tại buổi tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào sáng 30-3.
Theo ông Tú, không riêng TP.HCM hay các doanh nghiệp ở một số ngành nghề mà hầu hết các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề đều đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đang trình chính sách giãn, hoãn nợ
Khẳng định các ngân hàng thương mại có thanh khoản rất dồi dào và khả năng cho vay nhiều, ông Tú cho rằng không còn câu chuyện kiểm soát chặt room tín dụng như trước. Trong thực tế, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 1,74%, thấp hơn nhiều so với con số 3,49% của cùng kỳ năm trước. "Vốn đang thừa, chúng tôi khuyến khích cho vay", ông Tú nhấn mạnh.
Trong năm 2023, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá. "Trong quá trình đó, NHNN nỗ lực hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dù nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng NHNN vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp", ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, sắp tới sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa. Trong đó, các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng. Ngoài ra, căn cứ vào những khó khăn thực tế tác động đến doanh nghiệp, NHNN đang trình, để có tính pháp lý, từ đó triển khai việc giãn/hoãn nợ.
"Sớm muộn cũng có thông tư cụ thể. Trên tinh thần việc giãn, hoãn nợ là cần thiết" - ông Tú nói nhưng cho rằng chính sách này còn phụ thuộc vào ngành nghề, đối tượng. Có thể với doanh nghiệp này thỏa đáng, nhưng doanh nghiệp khác thì không. Tuy nhiên không thể có chính sách riêng cho từng doanh nghiệp, mà là chính sách chung, hướng đến đảm bảo sự ổn định an toàn về tín dụng. Thời gian giãn, hoãn nợ phải xem xét.
Gỡ khó cho thị trường trái phiếu
Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn, chủ yếu đến từ vấn đề niềm tin của nhà đầu tư khi một số doanh nghiệp huy động tiền từ trái phiếu nhưng không sử dụng đúng mục đích... Do đó, NHNN đang cùng Bộ Tài chính để giải quyết khó khăn của thị trường trái phiếu.
"Nghị định 08 vừa được ban hành, kèm với dự thảo thông tư 16 đang được lấy ý kiến rộng rãi liên quan đến việc gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chính là động thái liên quan đến nỗ lực duy trì thị trường vốn trong dài hạn, giảm gánh nặng cho thị trường tiền tệ, tránh tình trạng lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn", ông Tú khẳng định.
Trước đó, NHNN cũng được Chính phủ giao triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Đến nay, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án này vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Tú, những khó khăn cần phải được tháo gỡ từ hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp đồng hành với nhau. "Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó, bản thân doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại.
Chẳng hạn, giữa lúc lực cầu hạn chế, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp phải giảm giá sản phẩm mới có dòng tiền xoay xở, phù hợp với sự vận động của thị trường" - ông Tú gợi ý, đồng thời cho rằng cũng cần sự hỗ trợ từ các chính sách tài khóa, thuế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận