GS. TSKH Tô Ngọc Thanh bày tỏ nhiều trăn trở về nguy cơ VN mất chủ quyền đàn bầu - Ảnh: V.V.TUÂN |
Đó cũng là trăn trở của đa số đại biểu tham dự hội thảo khoa học Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam do Viện Âm nhạc (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 21-10 tại Hà Nội.
Lo lắng cho đàn bầu
Trong đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc) gợi mở vấn đề:
“Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu VN được đánh giá rất đặc sắc, độc đáo bởi đây là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của VN”.
Ông Định khẳng định, dù đến nay chưa có đủ cứ liệu xác định chính xác đàn bầu có từ bao giờ, nhưng có thể khẳng định đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ 19.
“Nếu chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc VN, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người VN chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu”, ông Định nói.
Tuy nhiên, NSND Thanh Tâm băn khoăn khi gần đây dư luận và giới nghệ sĩ nóng lên câu chuyện một số học giả Trung Quốc cố gắng chứng minh cây đàn bầu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, của người Trung Quốc.
NSND Thanh Tâm nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đàn bầu xuất phát từ Việt Nam và không giống bất cứ cây đàn một dây nào trên thế giới bởi “đàn bầu đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội”.
Hơn nữa, nhiều truyền thuyết về cây đàn này cũng đều xuất phát từ Việt Nam và không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Dựa vào cấu tạo và nguyên vật liệu làm ra đàn bầu, NSND Nguyễn Tiến khẳng định đàn bầu được bắt nguồn trong lao động sản xuất và gắn liền với đời sống văn hoá của người Việt cổ xưa và phát triển tới ngày nay.
Gấp rút khẳng định chủ quyền đàn bầu Việt Nam
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đặt vấn đề sách Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản tại Paris năm 1913 của Maurice Courant có viết, dưới triều Tống (968-1293) và nhà Nguyên (1314-1369) trong dàn nhạc cung đình, người ta còn thấy loại đàn “độc huyền cầm”.
Tuy nhiên, ông chỉ rõ: “Độc huyền cầm (tên gọi khác của đàn bầu) của Việt Nam được sáng tạo vào những năm 1770 triều Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) và chơi theo cách đánh vào các điểm có bồi âm chứ không phải đánh dây bấm như đàn “độc huyền cầm” của Trung Quốc viết trong sách của Maurice Courant”.
Hơn nữa, những năm 1960, có nhiều nhạc sĩ Việt Nam dạy các nhạc sĩ Trung Quốc cách chơi đàn bầu Việt Nam như: năm 1966 nghệ sĩ đàn bầu Đức Nhuận dạy cho một nghệ sĩ Trung Quốc học đàn bầu Việt Nam trong suốt 45 ngày.
Năm 1969, các nghệ sĩ Trung Quốc lại theo học đàn bầu của nghệ sĩ Đoàn Anh Tuấn.
Để khẳng định chủ quyền đàn bầu Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Bình Định nêu giải pháp: cần tổng kết, đánh giá một cách khoa học toàn bộ các vấn đề về lịch sử, ý nghĩa xã hội, giá trị văn hoá, chức năng nghệ thuật, kỹ thuật trình diễn của đàn bầu. Phải quy chuẩn hoá, đưa ra tiêu chuẩn đo lường quốc gia cho đàn bầu để tránh tình trạng tuỳ tiện, không thống nhất trong chế tác và sử dụng đàn bầu.
NSND Thanh Tâm đề xuất, Bộ VH-TT&DL cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là một giá trị văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại của VN.
GS. TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian VN, cũng đồng tình và nhấn mạnh: “Càng để lâu chúng ta càng có nguy cơ mất chủ quyền với cây đàn bầu của VN. Đây là chủ quyền văn hoá chúng ta cần phải bảo vệ”.
Xem clip NSƯT Hải Phượng biểu diễn đàn bầu - Nguồn Youtube |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận