21/05/2018 12:42 GMT+7

Cần hướng dẫn thêm về xác định tuổi người bị hại

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

TTO - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi theo hướng "trẻ hóa" so với quy định cũ, có thể dẫn đến kết quả định tội nặng hơn.

Xác định tuổi người bị hại dưới 18 tuổi là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề này là vô cùng quan trọng đối với việc lượng án.

Trước đây Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không có điều luật nào quy định về cách xác định độ tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi. 

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên liên ngành Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội có ban hành một thông tư (gọi tắt là thông tư liên tịch 01/2011) hướng dẫn cách xác định độ tuổi đối với bị can, bị cáo và người bị hại chưa thành niên. 

Theo thông tư liên tịch này, việc xác định độ tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, cụ thể như sau:

- Trường hợp xác định rõ tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng thì lấy ngày 1 của tháng đó làm ngày sinh.

- Trường hợp xác định được thời gian sinh ở quý nào đó của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào thì lấy ngày 1 của tháng đầu của quý làm ngày sinh.

- Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 1-1 hoặc ngày 1-7 trong năm làm ngày sinh.

- Trường hợp xác định được năm sinh nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày 1-1 của năm làm ngày sinh.

- Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có đưa vào một điều luật cụ thể (điều 417) quy định về cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. 

Theo đó, để xác định tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải áp dụng mọi biện pháp để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh, căn cứ vào các tài liệu hợp pháp như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, các giấy tờ, tài liệu khác... 

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại thì giải quyết như sau:

- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng làm ngày sinh.

- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý làm ngày, tháng sinh.

- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong nửa năm làm ngày, tháng sinh.

- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong năm làm ngày, tháng sinh.

- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Rõ ràng việc xác định độ tuổi theo cách này là bất lợi cho bị can, bị cáo. Với quy định như vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/2011 hợp lý hơn, bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Một vấn đề cần lưu ý là khi có không ít trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trước 0h00 ngày 1-1-2018 (thời điểm Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực), nhưng sau ngày này mới bị phát hiện thì việc xác định tuổi của người bị hại như thế nào? Theo thông tư liên tịch số 01/2011 hay theo điều 417 Bộ luật tố tụng hình sự 2015?

Cho đến nay chưa có văn bản nào tuyên bố thông tư liên tịch 01/2011 hết hiệu lực. Nếu có tuyên bố hết hiệu lực thì việc xác định tuổi của người bị hại trong thời điểm như nêu trên vẫn phải thực hiện theo hướng có lợi cho người phạm tội. 

Bởi theo nghị quyết 41 của Quốc hội, những quy định nào bất lợi cho người phạm tội chỉ áp dụng đối với hành vi được thực hiện sau 0h00 ngày 1-1-2018. Từ thực tiễn này, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương áp dụng thống nhất.

Bị bắt giam vì chung sống như vợ chồng đối với trẻ vị thành niên

TTO - Ngô Văn Út chung sống như vợ chồng với C.T và đã bị bắt giam về hành vi này.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên