04/05/2017 15:29 GMT+7

Cần hơn 21.000 tỷ để nối metro về Bình Dương, Đồng Nai

TTO - 21.234 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) là chi phí để nối dài metro Bến Thành - Suối Tiên thêm 6km về Bình Dương và thêm 8km về Đồng Nai, theo ước tính sơ bộ của nhóm nghiên cứu Nhật Bản.

Hướng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài thêm 2km đi Bình Dương và Đồng Nai - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Hướng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài thêm 2km đi Bình Dương và Đồng Nai - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã nghe nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản báo cáo sơ bộ về phương án kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tới Bình Dương và Đồng Nai.

Chia 2 giai đoạn

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, về hướng tuyến để nối dài metro, Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất phương án: từ nhà ga Suối Tiên sẽ nối dài thêm 2km về nhà ga Nút Giao đặt trên địa bàn Bình Dương. Sau đó, từ nhà ga Nút Giao metro sẽ được chia 2 nhánh về Bình Dương, Đồng Nai.

Về chi phí để nối dài metro, báo cáo của nhóm chuyên gia Nhật Bản ước tính cần khoảng 21.234 tỷ đồng để nối dài metro cho cả hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Kéo dài 2 km từ ga Suối Tiên đến ga Nút Giao cần khoảng 2.315 tỷ đồng. Giai đoạn này sẽ được thực hiện trước, có thể từ 2019-2022.

- Giai đoạn 2: Cần khoảng 18.919 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ sau năm 2023 với các hạng mục:

+ Chi phí kéo dài về Bình Dương 6km (tới thị xã Dĩ An): 6.154 tỷ đồng

+ Chi phí kéo dài về Đồng Nai 8km (tới thành phố Biên Hòa): 8.416 tỷ đồng

+ Điều chỉnh tuyến metro số 1 đến ga Nút Giao và mua sắm thêm toa tàu: 4.349 tỷ đồng.

Nhóm chuyên gia Nhật Bản ước tính để kéo dài 6 km metro về Bình Dương cần xây dựng 5,6km cầu cạn và 3 nhà ga. Còn để kéo dài 8 km metro về Đồng Nai cần xây dựng 7km cầu cạn, 500m cầu đặc biệt và 4 nhà ga.

Về lưu lượng hành khách, ước tính vào năm 2030 lượng khách của tuyến metro số 1 là hơn 532.000 khách/ngày; còn tuyến kéo dài đến Bình Dương là 34.300 khách/ngày, tuyến kéo dài đến Đồng Nai là 107.500 khách/ngày.

Phối cảnh (dự kiến) khu vực nhà ga Nút Giao đặt gần UBND phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Từ nhà ga Nút Giao, metro sẽ được chia 2 nhánh về Bình Dương, Đồng Nai - Nguồn: Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản.
Phối cảnh (dự kiến) khu vực nhà ga Nút Giao đặt gần UBND phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Từ nhà ga Nút Giao, metro sẽ được chia 2 nhánh về Bình Dương, Đồng Nai - Nguồn: Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản.

Các địa phương cùng “gánh”

Để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhóm chuyên gia Nhật Bản kiến nghị sớm thực hiện trước giai đoạn 1 là kéo dài 2km từ ga Suối Tiên tới ga Nút Giao. Đồng thời, nhóm chuyên gia Nhật Bản cũng khuyến nghị nên coi đoạn kéo dài 2km này như một phần bổ sung của tuyến số 1 để thực hiện từ nguồn vốn dự phòng của tuyến số 1 nhằm kế thừa nhân sự, cơ sở vật chất hiện có của các nhà thầu đang thực hiện dự án.

Kiến nghị của nhóm chuyên gia Nhật Bản nhận được sự đồng tình của cả UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Trong văn bản gửi UBND TP.HCM và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ông Trần Văn Vĩnh – phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đề nghị: với chi phí giải phóng mặt bằng 2km từ ga Suối Tiên tới ga Nút Giao thì Đồng Nai, Bình Dương mỗi tỉnh sẽ chịu một nửa. Riêng chi phí thi công xây lắp thì kiến nghị UBND TP.HCM đưa vào kinh phí dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Ông Trần Thanh Liêm - phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cũng cho rằng việc coi đoạn nối dài 2km từ ga Suối Tiên tới ga Nút Giao là một thành phần của metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là hợp lý. Vì việc nối dài metro về Bình Dương, Đồng Nai không chỉ mang lại lợi ích cho 2 tỉnh này mà còn góp phần kết nối vùng, tăng cường lượng khách và hiệu quả sử dụng cho metro TP.HCM. Hơn nữa, dù địa phương nào làm chủ đầu tư thì dự án cũng là sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước. Việc đưa 2 km kéo dài giai đoạn 1 là dự án bổ sung của metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ kế thừa được về mặt kỹ thuật, nhân lực khi tuyến này đang được thi công.

Đối với giai đoạn 2, nối dài từ nhà ga Nút Giao về Bình Dương, Đồng Nai thì UBND hai tỉnh này thống nhất chi phí giải phóng mặt bằng của tỉnh nào tỉnh đó tự chịu. Về chi phí xây lắp thì hai tỉnh sẽ làm việc với Bộ GTVT để đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định.

Chờ ý kiến phê duyệt của cơ quan chức năng

Các tính toán chi phí và đề xuất của nhóm chuyên gia Nhật Bản mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, do dự án nối dài metro liên quan nhiều địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nên còn cần lấy ý kiến thống nhất của các địa phương này, cũng như quyết định của Bộ GTVT và Chính phủ.

Về mặt chuẩn bị, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An (địa bàn có metro đi qua) trên cơ sở nghiên cứu của nhóm chuyên gia cần phối hợp chặt chẽ để tiếp tục làm việc, có định hướng quy hoạch sẵn mặt bằng để triển khai dự án trong tương lai, cũng như nghiên cứu để thực hiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (mô hình TOD).

BÁ SƠN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên