Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi hội thảo sáng 14-12 - Ảnh: THU DUNG
Khai mở "Amsterdam" giữa TP.HCM
Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), nói TP.HCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, nơi mà có thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy rất hạn chế, chỉ chiếm 5% so với đường bộ.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới có hệ thống đường thủy rất phát triển, chia sẻ được lượng lớn hành khách cho đường bộ. Họ tổ chức đồng bộ, kết nối đa phương thức bao gồm kết nối đường sắt, xe buýt, xe đạp, xe buýt nhanh…
Du khách trong một chuyến tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Tuấn, quy hoạch không gian mặt nước và không gian mặt đất gần mặt nước bài bản nên thiết kế được bờ sông hấp dẫn, tận dụng cải tạo nên đô thị hướng sông, dọc sông. Đường đạp xe ven sông, đô thị dọc sông được hình thành là nơi khách du lịch có thể thưởng ngoạn bờ sông, ngồi uống bia, vui chơi… Mô hình này ở Amsterdam (Hà Lan) đã tạo nên một bản sắc văn hóa.
"Trong khi đó, TP.HCM sẵn có hệ thống sông rạch chằng chịt, riêng sông Sài Gòn đi quanh co qua rất nhiều vị trí, bờ sông rất đẹp và đầy hấp dẫn. Thế nhưng, chúng ta chưa quy hoạch phát triển tiềm năng sông nước thực sự bài bản, tích hợp đa phương thức. Việc khai thác tiềm năng kể trên còn manh mún, chưa thực sự hiệu quả.
Để đường thủy TP phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, TP cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tháo gỡ nhiều vướng mắc như quy hoạch bến thủy, tạo cơ chế thu hút đầu tư…
Trước tiên phải khảo sát đánh giá thị trường thật chi tiết dựa trên nhu cầu người dân, tình hình thực tế. Chúng ta có thể mở đường ven sông, mở phố đi bộ dọc sông, đường riêng cho xe đạp để làm sao kết nối với buýt đường sông và tạo không gian công cộng cho người dân thưởng thức.
Các phương tiện thủy phải đủ lớn để chứa cả xe đạp, tần suất phải đủ lớn, không nên để khách chờ đợi lâu, có ứng dụng để căn giờ, đặt vé. Ngoài ra, nên có ngân sách trợ giá để khuyến khích người dân đi học, đi làm để thu hút người dân", ông Tuấn nói.
Đồng tình với những đề xuất trên, nhiều doanh nghiệp du lịch thủy ở TP.HCM cũng bày tỏ băn khoăn bởi đầu tư vào vận tải thủy, du lịch thủy trên sông Sài Gòn còn nhiều vướng mắc. Trong đó phải kể đến vướng mắc quy hoạch, cơ chế khiến doanh nghiệp có dự án chưa thể bắt tay vào triển khai.
Ngoài ra, dọc sông Sài Gòn chưa có nhiều bến bãi được đầu tư bài bản, thiếu tiện ích để thu hút khách du lịch, tàu thuyền đi lại khó khăn vì vướng tĩnh không cầu thấp.
Gỡ "khó" quy hoạch, có cơ chế ưu tiên
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TP.HCM rất tâm huyết phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh trong thời gian tới. Riêng việc khai thác dòng sông Sài Gòn với những sản phẩm như đêm nhạc "Có hẹn với Sài Gòn", trải nghiệm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... rất đặc sắc.
Kết luận hội thảo, ông Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM tổng hợp lại toàn bộ đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp báo cáo UBND TP.HCM. Từ đó đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để khai thác hiệu quả vận tải thủy, du lịch thủy trong thời gian tới.
Cụ thể có những nhóm việc đặt ra, trước hết tập trung xem xét hoàn chỉnh quy hoạch bến thủy. Các quận, huyện sớm cập nhật quy hoạch khai thác đường thủy. Ưu tiên một số điểm quy hoạch luồng tuyến, bến bãi... không quá dàn trải.
Còn về cơ chế, chính sách, các đơn vị nghiên cứu tạo điều kiện doanh nghiệp về sử dụng bến bãi, thuê đất, đóng mới phương tiện, thuế phí... Trong công tác quản lý nhà nước đốc thúc hoàn thiện hạ tầng các công trình xây dựng liên quan, nâng tĩnh không cầu… tạo điều kiện cho tàu thuyền đi lại thuận lợi.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, phương tiện du lịch, tuyến du lịch cần đa dạng để thu hút khách du lịch. Du lịch phải kết hợp được lịch sử, văn hóa… mới khai thác hết bề dày lịch sử hàng trăm năm mà dòng sông Sài Gòn vốn có.
Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia và hành khách cần có sự phối hợp, liên thông chặt chẽ, ứng dụng công nghệ để khai thác, quảng bá, xúc tiến vận tải và du lịch thủy hơn nữa.
“Việc khai thác du lịch thủy đến nay chỉ đạt 15% tiềm năng, UBND TP.HCM sẽ cùng các sở ngành nghiên cứu tạo điều kiện doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch thủy, vận tải thủy mới phát huy tối đa tiềm năng đường thủy”, ông Cường khẳng định.
"Cần những bến du thuyền chuẩn quốc tế"
Theo ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển, hầu hết đô thị lớn trên thế giới có sông đều khai thác tốt vận tải khách và du lịch. Với những tiềm năng lớn sẵn có, TP.HCM nên tính đến một tuyến vận tải kết hợp hài hòa vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.
Hai bờ sông Sài Gòn cần được quy hoạch bài bản các bến khách, bến du thuyền kèm tiện ích trên bờ hút khách du lịch, tàu khách cỡ lớn, du thuyền... như quốc tế đã làm.
Đơn vị kiến nghị được ứng dụng công nghệ vào số hóa hạ tầng đường thủy, quét toàn bộ các tuyến bờ sông, xây dựng bản đồ số hóa 3D bờ sông Sài Gòn để làm căn cứ quy hoạch hệ thống bến, nhà ga, khu bến du thuyền...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận