Ngoài các chương trình kích cầu hàng không, Vietjet phối hợp Tổng cục du lịch và các địa phương quảng bá du lịch
Phục hồi nhanh nhưng khát vốn trầm trọng
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng GDP 6 tháng của Việt Nam tăng trưởng dương trong khi nhiều nền kinh tế lớn bị âm là một điểm sáng đáng ghi nhận của nước ta. Thủ tướng cũng đánh giá chương trình kích cầu nội địa của ngành hàng không và du lịch khá thành công. Thậm chí, có hãng tăng doanh thu 1.000 tỉ đồng.
Đi sâu phân tích hai ngành thiệt hại lớn nhất nhưng phục hồi sớm và nhanh nhất là hàng không và du lịch, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại trước các khó khăn của 2 ngành này. Đơn cử như hàng không, số khách tháng 5, 6 tăng cao so với 2 tháng trước đó.
Tất cả các hãng đều đã khôi phục tất cả các tuyến bay nội địa như hồi trước dịch. Tuy nhiên tỉ lệ sử dụng ghế vẫn còn thấp hơn nhiều so với trước dịch. Đặc biệt giá vé máy bay thấp kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước. Tương tự, giá dịch vụ du lịch như giá thuê phòng nghỉ cũng chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ.
‘Từ đầu năm đến nay có hãng đã tung ra 7 chương trình khuyến mãi, kích cầu giá vé từ 0 đến vài chục ngàn đồng. Tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng tổng vé khuyến mại của các hãng lên tới gần chục triệu chiếc’, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cho biết.
Trong bối cảnh đang thua lỗ và gặp nhiều khó khăn, việc khuyến mại, kích cầu sâu, rộng kỷ lục như vậy, các hãng chủ yếu chỉ nhằm giải quyết việc làm, trả lương cho lao động, trang trải một phần chi phí và quan trọng là để cùng đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế của Chính phủ. Hưởng lợi của chương trình kích cầu này là ngành du lịch, khách hàng và nhà nước. ‘Bởi tuy mỗi vé hãng chỉ thu 0 hoặc vài chục ngàn nhưng khách vẫn phải trả thuế, phí hàng trăm ngàn đồng cho Nhà nước’, ông Nề nói.
Theo ông, để vận hành một hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet, mỗi ngày mỗi hãng phải chi trên 100 tỉ đồng. Ước tính 2 hãng lớn và hãng mới Bamboo đang cần khoảng 25.000 tỉ đồng vốn hoạt động. Do thiếu vốn, các hãng phải vay với lãi suất ngắn hạn để duy trì hoạt động.
Trong khi đó, nguồn thu quan trọng của hàng không là khách quốc tế vẫn chưa có triển vọng khi tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, khó lường và chưa biết khi nào Việt Nam mới mở bay quốc tế.
Bù lãi suất cho doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế
Từ thực tế ngành hàng không và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do COVID-19, trong đó có thể có gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho các hãng hàng không.
Đây là những doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách và đặc biệt là có sức lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế. Tại sao phải hỗ trợ cho các ông lớn này? ‘Họ phục hồi, phát triển sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ hàng loạt doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị của họ’, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng hỗ trợ cho các doanh nghiêp lớn có triển vọng hồi phục, bật dậy sau dịch như hãng hàng không sẽ không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế như nhiệm vụ cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
‘Đơn cử như Vietnam Airlines và Vietjet năm 2019 nộp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng thuế, phí và giải quyết việc làm cho 27.000 người. Nếu họ khó khăn, thua lỗ mà không được hỗ trợ phù hợp thì thuế, phí họ nộp sẽ giảm, lao động mất việc, nhiều ngành như du lịch, dịch vụ, đầu tư… sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ hòa vốn hoặc có lãi thì Chính phủ có bù vài trăm đến một ngàn tỉ đồng lãi suất cho họ thì vẫn là khoản hỗ trợ - đầu tư hiệu quả’, ông Long phân tích.
Ông Long cũng đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế do Thủ tướng làm Trưởng ban. Trong đó xác định chống suy thoái kinh tế như chống giặc và cần triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, 2009, Chính phủ đã dành 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn với mức 4%/năm cho các doanh nghiệp. Nay đại dịch COVID-19 có mức độ thiệt hại gấp nhiều lần khủng hoảng tài chính, Chính phủ càng cần hỗ trợ lãi suất nhiều hơn, chọn lọc và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Ví như ngành hàng không, có thể hỗ trợ 5-6%, thậm chí toàn bộ lãi suất trong 2-4 năm để ngành này có thể bật tựa lò xo như Thủ tướng mong muốn.
‘Dĩ nhiên, nếu ngân sách khó khăn, mỗi ngành, lĩnh vực, Chính phủ có thể chỉ chọn hỗ trợ lãi suất cho 2,3 doanh nghiệp có triển vọng phục hồi và giữ vai trò quan trọng trong ngành, và trong nền kinh tế. Tuyệt đối tránh phân biệt doanh nghiệp vốn nhà nước với tư nhân khi xét hỗ trợ. Vì bây giờ, doanh nghiệp là của Việt Nam, nên chỉ xét ưu tiên doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước’, ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận