Tuy vậy đến nay việc đưa cát biển tại các mỏ ở tỉnh Sóc Trăng vào phục vụ những dự án đường cao tốc vẫn gặp khó khăn. Vì sao?
Đã có đơn vị đăng ký sử dụng cát biển
Giữa tháng 5-2024, trong lúc hàng loạt công trình xây dựng hạ tầng giao thông cả nước đang "đói" cát, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết địa phương đã nhận được hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Từ đó, tỉnh đã thông báo đến các địa phương có nhu cầu sử dụng cho các dự án, đặc biệt là các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường về thí điểm đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Trong bối cảnh nguồn vật liệu xây dựng, san lấp các dự án hạ tầng giao thông đang thiếu trầm trọng, thông báo của tỉnh Sóc Trăng tưởng chừng như đã gỡ được nút thắt khó khăn về nguồn cát. Bởi theo đánh giá, nguồn khoáng sản cát biển tại khu B1 có trữ lượng lên đến 680 triệu m3, trong đó có 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thái Chân - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, đến nay mới chỉ có một địa phương và một ban thuộc Bộ GTVT đăng ký sử dụng cát biển với tổng khối lượng 9 triệu m3. Địa phương đầu tiên đăng ký chính là TP Cần Thơ.
Trao đổi rõ hơn về việc này, ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết Cần Thơ đã đăng ký 3 triệu m3 cát biển của tỉnh Sóc Trăng, chủ yếu để phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua TP.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư), dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua TP cần 7 triệu m3 cát phục vụ san lấp và gia tải. Trong khi đó chất lượng cát trên sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ có nhiều tạp chất hữu cơ, bùn nên không đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng cho thiết kế đường cao tốc.
Vì thế từ thời điểm khởi công dự án đến nay các nhà thầu chỉ thi công hạng mục cầu, phần đường chưa có nguồn cát nên chỉ thực hiện nạo vét hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng, đào đất không thích hợp và đắp khuôn đường.
Một lãnh đạo Ban điều hành dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng cho biết hiện công trình được cung cấp cát tại một mỏ cát của tỉnh An Giang với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3, còn thiếu 4,7 triệu m3 nhưng cũng chưa có nguồn.
"Trong năm nay, mỏ cát ở tỉnh An Giang cũng chỉ khai thác khoảng 1,1 triệu m3 trong khi nhu cầu tiến độ chúng tôi cần 2 triệu m3 cát. Do đó khi có được nguồn cát biển chúng tôi sẽ đắp nền lớp dưới phục vụ thi công", vị này nói thêm.
Còn vướng quá nhiều khó khăn
Dù trước đó hầu hết các địa phương, các ban ngành, nhà thầu đều kêu thiếu cát gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, tuy nhiên khi có nguồn cát biển thì lại không mấy mặn mà, vì sao có sự trớ trêu này?
Theo ông Ngô Thái Chân, một trong các nguyên nhân khiến các địa phương khó tiếp cận được với nguồn cát biển này là vướng quy định cát biển chỉ được sử dụng ở những vùng nhiễm mặn, do đó công trình của những địa phương không thuộc những vùng này không đăng ký được.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Lâu, việc khai thác cát biển hiện nay còn vướng một số quy định cần tháo gỡ. Do đó, trong ngày 28-5 ông Lâu ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.
Theo đó, nhằm đảm bảo về cơ sở pháp lý, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng hoặc chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản ủy quyền cho tỉnh Sóc Trăng được cấp phép khai thác cát biển đối với khu vực B1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Bên cạnh đó, tại nghị định số 11/2021 của Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh quản lý, giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền.
"Còn theo hồ sơ, tài liệu, bản đồ liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng do Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng, khu B1 tỉnh Sóc Trăng có diện tích chồng lấn với tỉnh Trà Vinh.
Tuy nhiên hiện nay ranh giới hành chính trên biển đối với các địa phương có biển chưa được cấp có thẩm quyền ban hành và công bố, nên chưa thể xác định cụ thể diện tích nào thuộc tỉnh Sóc Trăng và diện tích nào thuộc tỉnh Trà Vinh.
Khu B1 tỉnh Sóc Trăng (do Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá và bàn giao cho tỉnh) cũng nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý nên hiện không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của tỉnh trong khi hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác cát biển tại khu vực biển nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý này.
Cát biển làm vật liệu san lấp "nóng" diễn đàn Quốc hội
Mới đây ngày 4-6, đặt vấn đề về cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản, vật liệu cho phục vụ xây dựng hạ tầng, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu vấn đề về việc quản lý thế nào cho hiệu quả. Tương tự, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cũng đặt câu hỏi sử dụng cát biển thay cát sông có thể ảnh hưởng đến môi trường, mang mặn vào nền đất yếu.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, sỏi đã được phân cấp triệt để và thẩm quyền cấp phép thuộc về các địa phương. Sắp tới không phải cấp phép mỏ như trước đây nữa mà sẽ là đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.
"Đúng là sử dụng cát biển chúng ta phải đánh giá tác động môi trường. Hiện nay cát biển sử dụng tốt nhất là khu vực nhiễm mặn. Cát biển phải đảm bảo nguyên tắc về môi trường, không gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá trữ lượng, sử dụng cát biển. Bộ đã hoàn thành đánh giá trữ lượng ở Sóc Trăng với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3 , cách bờ gần 20km.
Bộ cũng khuyến cáo cát biển chỉ lấy 2m để giảm tác động môi trường. Trữ lượng cát biển rất lớn, đã được san lấp, sử dụng ở các khu kinh tế ven biển...", ông Đặng Quốc Khánh nói thêm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng nhiều lần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam thông tin từ tháng 3-2024, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc trực tiếp với tỉnh Sóc Trăng về những vướng mắc đã nêu.
Thực ra, bộ và cục đều có văn bản nói rõ thẩm quyền cấp phép vật liệu thông thường. Về giao khu vực biển ngoài 6 hải lý là trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong tháng 5-2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã vào làm việc và có kết luận sau khi tỉnh cấp phép xong thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giao khu vực biển.
"Trước đó Cục Địa chất Việt Nam cũng đã đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 (huyện Trần Đề) cho tỉnh Sóc Trăng. Như vậy trừ các loại cát làm thủy tinh, cát biển là vật liệu xây dựng thông thường nên thẩm quyền cấp phép thuộc UBND cấp tỉnh.
Còn về chồng lấn vùng biển thì UBND tỉnh Sóc Trăng nên hỏi thêm Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để có thông tin", lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam giải thích thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận