
Toàn xã đảo Thạnh An - xã đảo duy nhất hiện nay của TP.HCM - được đề xuất tổ chức thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, UBND huyện Cần Giờ đã trình phương án sắp xếp 7 xã, thị trấn thành 4 xã. Cụ thể gồm:
Xã Bình Khánh: sáp nhập xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp và một phần xã An Thới Đông với diện tích khoảng 158km2 với 31.400 dân.
Xã An Thới Đông: sáp nhập một phần xã An Thới Đông, Lý Nhơn với diện tích khoảng 257km2 với 18.400 người dân.
Xã Cần Giờ: sáp nhập xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh với diện tích khoảng 157km2 với 22.000 người dân.
Xã đảo Thạnh An với diện tích khoảng 131km2 với 4.218 người dân.
Cần Giờ là huyện biển duy nhất của TP.HCM, nằm ở phía đông nam, cách trung tâm thành phố khoảng 50km đường bộ. Với vị trí hiện nay, Cần Giờ giống như một hòn đảo tách biệt với xung quanh, bốn bề là sông và biển.
Phía bắc huyện này ngăn cách với huyện Nhà Bè bởi sông Soài Rạp, phía nam giáp Biển Đông, phía tây ngăn cách với huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước (Long An), huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), ranh giới là sông Soài Rạp và phía đông bắc ngăn cách với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bởi sông Lòng Tàu.
Phần phía đông nam huyện Cần Giờ tiếp giáp với huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), ranh giới là sông Thị Vải. Cần Giờ là cửa ngõ đường thủy của TP.HCM, tàu thuyền ngoài biển vào cửa Cần Giờ ngược dòng sông Nhà Bè vào cảng Sài Gòn, cách biển 80km theo đường sông.
Năm 1944, vùng đất này là tổng của quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Ngày 10-3-1947, Pháp nhập Cần Giờ vào tỉnh Cap Saint - Jacques (Vũng Tàu). Năm 1956 thuộc tỉnh Tuy Phước. Năm 1970 trở lại tỉnh Gia Định.
Sau 30-4-1975, Cần Giờ nhập vào tỉnh Đồng Nai. Tháng 3-1978 nhập vào TP.HCM, ban đầu mang tên huyện Duyên Hải, đến ngày 18-12-1991 đổi thành huyện Cần Giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận