Tâm lý ngần ngại xuất hiện trong các nhà đầu tư gần một tháng qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Áp lực bán mạnh và lan rộng đã chi phối trên toàn thị trường ngay khi mở cửa, tuy vậy, thị trường vẫn có thời điểm diễn tiến tích cực sau 30 phút mở cửa, VN-Index hồi phục được khoảng 10 điểm dù không trụ được lâu.
Thị trường trong phiên sáng tiếp tục biến động quanh vùng 1.340 điểm, trước khi tạm nghỉ phiên leo lên được mốc 1.345 điểm, giảm 15,6 điểm (1,15%). Nhìn toàn sàn HOSE chỉ còn khoảng 63 mã giữ được sắc xanh, số mã giảm cao gấp hơn 6 lần, tương ứng 375 mã giảm.
Các mã của ngành ngân hàng, bất động sản và chứng khoán vẫn tiếp tục trong sắc đỏ và lực bán chi phối. Các mã chủ chốt trong rổ VN30 không tránh khỏi xu hướng chung với 30 mã giảm giá, khiến VN30-Index giảm hơn 14 điểm (1,02%) còn 1.390,56 điểm.
Diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước được cho là đi theo ảnh hưởng tiêu cực của chứng khoán quốc tế. Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua có phiên lao dốc mạnh, với Nasdaq ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2020 và hiện đã ở mức thấp nhất từ tháng 11-2020, do giới đầu tư lo ngại động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây chưa đủ liều để kìm cơn bão lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra hôm 3 và 4-5, FED đã có quyết định lịch sử khi nâng lãi suất 50 điểm phần trăm trong một phiên họp.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm sâu với nhiều bất ngờ của những ngày qua khiến đà hồi phục của thị trường chứng khoán trong nước gặp khó, dòng tiền trên thị trường đang dè dặt hơn.
Thống kê của công ty chứng khoán cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị giao dịch của thị trường chỉ từ 20.000 tỉ đến 40.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2021.
"Trong phiên sáng nay, giá trị giao dịch trên HOSE đạt gần 8.400 tỉ đồng, đây là mức trung bình. Tâm lý ngần ngại đã bộc lộ rõ và ảnh hưởng đến thanh khoản chung, nhưng vẫn có nhà đầu tư ngóng mua trở lại", một nhà đầu tư nhìn nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận