29/10/2024 09:22 GMT+7

Cần 'đòn bẩy' kinh tế cho công nhân ở lại phố

Là trung tâm kinh tế - dịch vụ ở miền Trung, những năm qua nhiều khu công nghiệp ở Đà Nẵng cũng trong cơn đau đầu triền miền thiếu công nhân phổ thông.

Cần 'đòn bẩy' kinh tế cho công nhân ở lại phố - Ảnh 1.

Các khu công nghiệp lớn ở Đà Nẵng hầu như đăng tuyển dụng lao động phổ thông quanh năm vì thiếu hụt công nhân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cho tiền xe để lao động từ quê lên phố ứng tuyển

Đặc biệt là sau mỗi đợt Tết Nguyên đán, tình trạng "rơi rớt" nhân lực thường xuyên xảy ra khi lao động về quê ăn Tết rồi ở lại. Nhiều công ty ở các khu công nghiệp phải đăng tin tuyển dụng từ hàng trăm cho đến hàng ngàn lao động.

Gắn với công tác nhân sự 19 năm qua, ông Nguyễn Văn Phu, phó giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) nói chưa bao giờ thấy số lượng người lao động vào nhà máy giảm sút nhiều như thời gian vừa qua.

Tại nhiều doanh nghiệp đóng chân trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng tuyển không ra nguồn công nhân phổ thông khiến việc mở rộng quy mô gặp khó. Đến mức ông Phu miêu tả tại Đà Nẵng đang có hiện tượng "tuyển dụng lao động đại học dễ hơn lao động phổ thông".

"Công ty chúng tôi dự định mở rộng thêm 4ha để tăng năng suất thêm 30% với quy mô tăng thêm 300 người nhưng suốt 6 tháng nay không tuyển được người.

Anh em bây giờ bảo nhau cái khó lớn nhất không phải việc xây nhà xưởng, máy móc mà là vấn đề nhân sự" - ông Phu nói.

So với thời gian trước đây, ông Phu nói việc tuyển dụng công nhân phổ thông vô cùng khó khăn dù công ty làm mọi cách.

"Thậm chí tại Daiwa Đà Nẵng cho phép lao động nộp hồ sơ online trước, khi đạt đủ điều kiện công ty còn đài thọ chi phí đi lại để lao động ở xa tới công ty phỏng vấn.

Hằng tuần chúng tôi đều tuyển nhân sự nhưng trung bình mỗi tuần chỉ tuyển được khoảng 20 người. Trong khi đó, tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ đại học lại thuận lợi hơn nhiều".

Ông Phu cho biết hiện nay công ty vừa phải tuyển dụng liên tục, vừa phải có những chính sách giữ chân người lao động. Nhờ thế tỉ lệ nghỉ việc hằng năm từ 2-5% thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung tại các khu công nghiệp (khoảng 10%).

Dẫu vậy với cơ cấu 70% lao động đến từ ngoại tỉnh, công ty này vẫn đang lo vì sự chuyển dịch thị trường lao động về quê đang rất rõ ràng.

"Những lao động gắn bó lâu năm với chúng tôi, ban đầu họ đến Đà Nẵng vì ở quê hương chưa có khu công nghiệp.

Nhưng bây giờ Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có khu công nghiệp phát triển, quy mô mở rộng. Lao động sẽ chọn làm gần nhà vì chi phí sinh hoạt giảm, lại phù hợp với lối sống, tập quán nên thuận lợi hơn" - ông Phu nói.

Ghi nhận tại các khu công nghiệp, hầu hết các công ty cần lượng lao động phổ thông lớn đều gặp khó khăn tương tự. Thông tin tuyển dụng lao động phổ thông được các công ty treo quanh năm nhằm bù hao cho lao động nghỉ đột xuất. Vừa tuyển dụng không ra vừa gặp vấn đề nan giải trong việc "giữ chân" người lao động ở lại phố thị.

Để có đủ lao động ổn định sản xuất, các công ty phải tung nhiều chiêu ưu đãi, hỗ trợ lao động như cho phép nộp đơn xin việc qua mạng, hỗ trợ tiền xăng xe khi đi phỏng vấn, thưởng cho nhân viên giới thiệu người thân, bạn bè đến làm việc...

Theo ông Nguyễn Văn Phu, trước mắt có thể có chính sách kêu gọi các trường nghề, cao đẳng, phối hợp cùng doanh nghiệp để cung cấp lao động thời vụ vừa học vừa làm.

Doanh nghiệp sẽ trả lương cho sinh viên để giải quyết bài toán về lao động, đồng thời giúp các em sinh viên có thêm thu nhập cũng như có thêm trải nghiệm về công việc để giúp ích sau này sau khi ra trường.

Cần 'đòn bẩy' kinh tế cho công nhân ở lại phố - Ảnh 2.

Nhà ở công nhân được Đà Nẵng xây ở Khu công nghiệp Hòa Cầm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

An cư - an sinh - an lòng

Để giữ chân lao động ở phố, mới đây Công ty TNHH Foxlink (Đà Nẵng) có quy mô 12.000 lao động còn đề xuất thành phố Đà Nẵng sớm bố trí địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm đảm bảo khâu "an cư".

Theo lãnh đạo công ty, việc này vừa giúp lao động bớt gánh lo, vừa tạo điều kiện để người lao động an tâm gắn bó lâu dài, làm việc cho dự án của công ty.

Thống kê mới đây của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho thấy hiện tại địa phương có hơn 633.000 người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.

Trung bình mỗi năm có 35.000 người bước vào độ tuổi lao động và có khoảng 20.000 học sinh, sinh viên và các đối tượng lao động đào tạo nghề ra trường. Đây là nguồn lao động dồi dào có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên lại gặp phải sự "lệch pha", mất cân đối cung cầu do có sự thay đổi trong xu hướng việc làm tại thành phố.

Theo ông Trương Ngọc Hùng - phòng chính sách việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, việc lao động chuyển dịch từ các khu công nghiệp lớn ở phố về các tỉnh đã được được nhìn thấy và phân tích trong những năm vừa qua.

Ngoài ra tại Đà Nẵng hiện nay cũng có xu hướng người lao động chuyển dịch sang khối ngành du lịch - dịch vụ nhiều hơn vì họ không thích gò bó. Nhưng xu hướng chung ở người trẻ là chuyển dịch sang làm các công việc phi chính thức là các công việc tự do, công việc tự khởi nghiệp.

Theo ông Hùng, thống kê trước thời điểm tăng lương cho thấy tiền lương bình quân của doanh nghiệp ngoài nhà nước hằng tháng không nhỉnh hơn lương tối thiểu là bao nhiêu. Với mức thu nhập thấp khiến lao động không mặn mà với các nhà máy.

"Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có nhiều giải pháp nhưng phải có giải pháp "đòn bẩy" kinh tế. Làm sao xây dựng chính sách tiền lương hợp lý, đảm bảo an sinh, cơ chế chính sách thúc đẩy phúc lợi xã hội công nhân để công nhân và gia đình an tâm" - ông Hùng phân tích.

Cần 'đòn bẩy' kinh tế cho công nhân ở lại phố - Ảnh 3.

Công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng tranh thủ trồng rau cải thiện đời sống sau giờ làm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cần 'đòn bẩy' kinh tế cho công nhân ở lại phố - Ảnh 4.Khi công nhân rời phố về quê - Kỳ 4: Hàng chục ngàn đầu việc chờ người miền Trung

Nhiều doanh nghiệp lớn ở miền Trung tăng cường tuyển dụng lao động trí thức lẫn phổ thông phục vụ sản xuất. Đến giờ còn hàng chục ngàn vị trí tuyển dụng chờ đón lao động "rời phố về quê".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên